Người cao tuổi cần thường xuyên kiểm tra chỉ số huyết áp để có chế độ sinh hoạt, ăn uống thích hợp nhằm phòng bệnh tăng huyết áp
Tăng huyết áp nói chung và tăng huyết áp ở NCT nói riêng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. Song song với tình trạng già hóa dân số là bệnh tăng huyết áp ở NCT trên toàn thế giới. Thông tin từ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, năm 2015, tỷ lệ tăng huyết áp chung là 47,3%, chiếm đến 60% ở người trên 60 tuổi và trên 80% ở người trên 80 tuổi.
Theo thống kê của Tổng cục Dân số, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. Cụ thể, phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm. Trong khi đó, tuổi thọ trung bình ở Việt Nam cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của NCT thấp (64 tuổi); đáng chú ý, 67,2% NCT có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu. Bình quân mỗi NCT có 3 bệnh, nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn, trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Huỳnh Hữu Dũng cho biết: “Ăn thừa muối là nguy cơ chính gây tăng huyết áp dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, giảm tiêu thụ muối xuống dưới 5g/ngày sẽ cứu sống 2,5 triệu người/năm trên toàn cầu. Việc giảm tiêu thụ muối sẽ giúp kiểm soát huyết áp ở người bình thường và làm giảm huyết áp ở người bị tăng huyết áp.
Chính vì thế, người dân cần giảm ăn muối để phòng bệnh tăng huyết áp và các bệnh không lây nhiễm khác. Hãy giảm dần lượng muối và gia vị cho vào khi chế biến thức ăn; hạn chế lựa chọn, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp có nhiều muối và tăng cường ăn thực phẩm tự nhiên;...”.
Người cao tuổi cần giảm ăn muối để phòng bệnh tăng huyết áp và các bệnh không lây nhiễm khác
Tại Long An, thời gian qua, việc phát hiện sớm và quản lý, điều trị bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường ngày càng được quan tâm. Nhờ đó, sự hiểu biết của người dân về các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm ngày càng được nâng lên nhờ tham gia đầy đủ hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe của các câu lạc bộ tăng huyết áp và đái tháo đường tại các xã: Phước Lâm, Đông Thạnh (huyện Cần Giuộc); Bình Đức (huyện Bến Lức); An Ninh Tây (huyện Đức Hòa).
Theo kết quả triển khai, thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác” giai đoạn 2015-2020, trên 55% số người bị tăng huyết áp được phát hiện sớm và điều trị theo hướng dẫn chuyên môn, 80% số người bệnh đái tháo đường được phát hiện, quản lý và điều trị.
Đạt kết quả này là nhờ sự chỉ đạo về chuyên môn của Bộ Y tế và sự phối hợp, hỗ trợ của Viện Pasteur TP.HCM cũng như sự quan tâm chỉ đạo về chủ trương, chính sách của UBND tỉnh trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại địa phương. Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thống kê, báo cáo nhằm thực hiện tốt công tác quản lý bệnh không lây nhiễm.
Bà Trần Thị Năm (xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Qua các buổi nói chuyện chuyên đề về bệnh không lây nhiễm tại địa phương, tôi được cung cấp kiến thức về bệnh tăng huyết áp như nguyên nhân, dấu hiệu, cách nhận biết và các biện pháp phòng bệnh, chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh. Từ đó, tôi thường đến trạm y tế xã để kiểm tra chỉ số huyết áp, có chế độ sinh hoạt, ăn uống thích hợp nhằm phòng bệnh tăng huyết áp”.
Tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi hầu hết những người mắc bệnh không có dấu hiệu hoặc triệu chứng mặc dù bệnh đang khá nghiêm trọng. Vì vậy, mỗi người dân cần nắm kiến thức cơ bản về bệnh tăng huyết áp, quan tâm, chăm sóc, nhắc nhở người thân trong sinh hoạt, chủ động phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe./.
Huỳnh Hương