Tiếng Việt | English

02/12/2023 - 07:22

Tạo ra robot sống bằng tế bào con người

Một nhóm nhà khoa học ở Mỹ đã tạo ra một loại robot sống từ tế bào con người với kỳ vọng rằng chúng có khả năng chữa lành các vết thương ở người trong tương lai.

Ngày 30/11, tạp chí khoa học Advanced Science (Mỹ) công bố kết quả nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học ở Mỹ về việc tạo ra những con robot sống có kích thước nhỏ từ tế bào con người. Các nhà khoa học đặt tên cho loại robot này là anthrobot.

Loại robot sống này có khả năng di chuyển trong đĩa thí nghiệm và trong tương lai, chúng có thể chữa lành vết thương hoặc các mô bị tổn thương ở người, theo đài CNN.

Nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà khoa học tại ĐH Tufts và Viện Wyss thuộc ĐH Harvard (đều thuộc Mỹ).

Ông Michael Levin - một trong những tác giả của công trình nghiên cứu anthrobot và là GS sinh học tại ĐH Tufts - cho biết anthrobot không phải là sinh vật hoàn chỉnh vì chúng không có vòng đời đầy đủ.

Anthrobot được tạo ra dựa trên các nghiên cứu trước đó. Trước đây, những robot sống đầu tiên, hay còn được gọi là xenobot, được tạo ra từ tế bào gốc phôi của ếch móng vuốt châu Phi.

Cấu trúc đa bào của anthrobot, có lông mao bao phủ quanh bề mặt. Ảnh: ĐẠI HỌC TUFTS

Cấu trúc đa bào của anthrobot, có lông mao bao phủ quanh bề mặt. Ảnh: ĐẠI HỌC TUFTS

Anthrobot được tạo ra như thế nào?

Các nhà khoa học đã sử dụng tế bào khí quản của những người hiến tặng ẩn danh ở lứa tuổi và giới tính khác nhau để tạo ra những con robot sống.

Bà Gizem Gumuskaya – một thành viên khác của nhóm nghiên cứu và là nghiên cứu sinh TS tại ĐH Tufts - cho biết các nhà khoa học tập trung vào loại tế bào này vì chúng dễ tiếp cận và có thể làm chúng chuyển động.

Các tế bào khí quản được bao phủ bởi một lớp lông mao. Lớp lông mao này giúp các tế bào khí quản đẩy các hạt bụi nhỏ ra khỏi đường ống dẫn khí của phổi.

Những nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng các tế bào này có thể tạo thành các organoid (cụm tế bào có thể phát triển và sinh sôi trong môi trường nuôi cấy)

Bà Gumuskaya đã tiến hành thí nghiệm trong điều kiện có đủ các thành phần hoá học cần thiết để tế bào khí quản phát triển và đã tìm ra cách khiến các lông mao trên bề mặt các organoid hướng ra ngoài. Sau vài ngày, các organoid dần biết chuyển động nhờ các lông mao.

Đặc điểm của anthrobot

Các anthrobot có hình dạng và kích cỡ đa dạng. Một số athrobot có dạng hình cầu và có lông mao bao phủ khắp bề mặt, trong khi các anthrobot khác có hình dạng giống quả bóng đá và các lông mao bao phủ không đều.

Ngoài ra, những anthrobot di chuyển theo nhiều cách khác nhau. Nhiều con chuyển động theo đường thẳng, có con di chuyển theo hình tròn, những con khác thì chỉ ngọ nguậy tại chỗ.

Trong điều kiện phòng thí nghiệm, anthrobot có khả năng sống tới 60 ngày.

Một anthrobot đang len lỏi qua một vết của mô thần kinh. Ảnh: ĐẠI HỌC TUFTS

Một anthrobot đang len lỏi qua một vết của mô thần kinh. Ảnh: ĐẠI HỌC TUFTS

Có thể ứng dụng trong y tế?

Các nhà khoa học cho biết vẫn đang tiến hành các thí nghiệm về anthrobot ở giai đoạn đầu với mục tiêu là tìm hiểu xem liệu anthrobot có thể có thể ứng dụng trong y tế hay không.

Để kiểm chứng tính khả thi của thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra xem liệu anthrobot có thể di chuyển trên các tế bào thần kinh của con người hay không. Các tế bào thần kinh này bị làm xước để mô phỏng vết thương và được nuôi trong đĩa thí nghiệm.

Các nhà nghiên cứu vô cùng ngạc nhiên khi thấy các anthrobot kích thích sự tái tạo ở những vùng bị tổn thương trên tế bào. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra cơ chế chữa lành của các anthrobot này.

Ông Levin cho rằng anthrobot khó có thể gây ra các rủi ro. Vì anthrobot sống trong môi trường vô cùng hạn chế nên không có khả năng thoát ra ngoài hoặc sống bên ngoài phòng thí nghiệm.

Hơn nữa, tuổi thọ của anthrobot khá ngắn. Sau vài tuần, chúng sẽ tự phân huỷ, theo ông Levin./.

Theo PLO

Nguồn: https://plo.vn/tao-ra-robot-song-bang-te-bao-con-nguoi-post764403.html

Chia sẻ bài viết