Tiếng Việt | English

20/09/2017 - 02:25

Tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn

Dạy nghề cho lao động nông thôn được xem là biện pháp giảm nghèo bền vững. Xác định được vấn đề đó, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An mở nhiều lớp dạy nghề và tạo việc làm ổn định cho các học viên sau khi học nghề.

Tân Thạnh là huyện nông nghiệp, người dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Giúp nông dân có việc làm trong những lúc nông nhàn, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện mở 7 lớp may giỏ xách, với trên 350 học viên tham gia, đồng thời phối hợp một doanh nghiệp ở huyện Cần Giuộc nhận hàng về cho học viên gia công sau khi kết thúc khóa học.


Chị Nguyễn Thị Mến có việc làm ổn định

Chị Nguyễn Thị Mến, ngụ ấp Tây Bắc, xã Tân Hòa, chia sẻ: “Cách đây 5 năm, chồng tôi mất vì bệnh ung thư máu. Lúc gia đình tôi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã động viên và giúp đỡ. Tôi được tạo điều kiện học đan giỏ xách và nhận hàng về gia công. Bình quân một ngày, tôi có thu nhập 100.000 đồng từ việc đan giỏ xách”.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Hòa - Đoàn Thị Đào bộc bạch: “Hiện, hội có gần 800 hội viên, trong đó, có 49 hộ nghèo và 43 hộ cận nghèo. Thời gian qua, hội duy trì 2 tổ may túi xách với trên 100 thành viên, 1 tổ đan ghế nhựa với trên 50 thành viên,... Hội vừa mở 3 lớp đan giỏ nhựa với trên 100 thành viên. Các mô hình góp phần tạo việc làm cho hội viên phụ nữ, bình quân, mỗi người có thu nhập ít nhất 100.000 đồng/ngày”.

Dạy nghề, tạo việc cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn là chìa khóa giảm nghèo bền vững và nâng cao mức sống cho người dân.

Là một trong những phụ nữ có thu nhập ổn định và cuộc sống khá giả nhờ tham gia lớp may công nghiệp, chị Nguyễn Thị Trang (ngụ ấp Tây Bắc, xã Tân Hòa) nói: “Trước đây, tôi làm công nhân nhưng do không có thời gian chăm sóc gia đình nên nghỉ và tham gia tổ may túi xách. Buổi sáng, tôi bán cà phê, dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm cho gia đình rồi may túi xách gia công, kiếm được 150.000 đồng mỗi ngày. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ổn định hơn”.


Chị Nguyễn Thị Trang (ngụ ấp Tây Bắc, xã Tân Hòa) vươn lên trở thành hộ khá nhờ tham gia lớp may công nghiệp

Tuy nhiên, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn còn một số khó khăn. Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Thạnh - Nguyễn Thị Thanh Tuyền cho biết: “Trên địa bàn huyện, rất ít doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động nên rất khó khăn trong khâu giải quyết việc làm. Việc tổ chức dạy nghề phụ thuộc nhiều vào thời vụ,... Với những khó khăn đó, chúng tôi hy vọng các cấp, các ngành chung tay, có nhiều giải pháp để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngày càng hiệu quả cao”./.

Nhã Lam

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích