Tiếng Việt | English

11/09/2017 - 08:58

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn sát nhu cầu ngành, nghề, lao động ở địa phương

Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) luôn được tỉnh, các địa phương trong tỉnh quan tâm. Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của các lớp đào tạo nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu LĐNT, tăng tỷ lệ LĐ qua đào tạo, giảm tỷ lệ hộ nghèo,...

Dù nghề nông nghiệp hay phi nông nghiệp, sau khi hoàn thành chương trình tại các lớp đào tạo nghề, phần lớn người LĐ phát huy nghề được học ngay tại địa phương hoặc tại một số doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.


Tham gia lớp đào tạo nghề trồng rau công nghệ cao, nông dân được hướng dẫn thực tế

Ngày càng nâng chất

Thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020, tính từ đầu năm 2017 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp sở, ngành, địa phương đào tạo nghề cho 2.430 LĐ (phi nông nghiệp khoảng 855 LĐ, nông nghiệp 1.575 LĐ) với 134 nghề cho LĐNT, trình độ sơ cấp nghề và dưới 3 tháng (có 48 chương trình nông nghiệp và 86 chương trình phi nông nghiệp).

Cái lợi lớn nhất trong đào tạo nghề là nông dân dần thay đổi nhận thức, từ thói quen LĐ nhỏ, lẻ trong sản xuất nông nghiệp, giờ đây, phần lớn trong số họ mạnh dạn làm ăn nhờ những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo nghề nhằm mang lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất, kinh doanh. Không chỉ nhiều nghề mới đang cho thu nhập khá mà ngay trong sản xuất nông nghiệp, nhiều gia đình cũng biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên năng suất cây trồng, vật nuôi cũng tăng lên, thời gian quay vòng nhanh hơn trước, hiệu quả kinh tế cao hơn.

Về huyện Cần Đước những ngày gần đây, tại các xã sản xuất nông nghiệp, ở xã nào, chúng tôi cũng thấy được sự đổi thay mạnh mẽ và khá toàn diện so với trước đây. Hỏi ra mới biết, mọi thay đổi đều bắt nguồn từ nhận thức của nông dân sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Phạm Hoàng Phúc, ngụ ấp 3, xã Phước Vân, vui mừng nói: “Gia đình tôi trồng rau nhiều năm nay nhưng năng suất không cao, khi nghe mở lớp dạy “Kỹ thuật trồng rau an toàn theo hướng công nghệ cao”, tôi liền đăng ký tham gia. Lúc trước, tôi cũng tham gia rất nhiều lớp, nhưng thấy lớp này rất thiết thực, bổ ích. Sau khi học, cũng như nhiều người khác, tôi dần loại bỏ những tập quán canh tác sản xuất cũ và sử dụng phân hữu cơ, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo quy trình VietGAP. Nhờ đó, hiện nay, 0,4ha đất trồng hành của tôi phát triển rất tốt, ước năng suất tăng nhiều hơn trước”.

Cũng như ông Phúc, ông Phạm Văn Lao phấn khởi: “Tôi mong thời gian tới, các ngành chức năng mở thêm nhiều lớp như thế này cho nông dân vì rất phù hợp với nhu cầu của tụi tui. Hiện, một số nông dân thành lập tổ hợp tác rau công nghệ cao nhằm sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cung cấp cho thị trường, góp phần tăng lợi nhuận”.


Ông Phạm Văn Lao vui mừng vì hiệu quả phương thức sản xuất mới khi sử dụng phân hữu cơ

Theo Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Cần Đước - Hồ Tấn Lợi: “Những năm qua, việc đào tạo nghề ở nông thôn luôn được gắn với nhu cầu thực tế ở địa phương nên thu hút nhiều học viên. Nhờ đó, người dân dần thay đổi nhận thức trong sản xuất nông nghiệp, từ bỏ thói quen sản xuất nhỏ, lẻ, lạc hậu sang áp dụng khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi,... Sau mỗi khóa học, học viên có khả năng ứng dụng kiến thức và lợi nhuận tăng lên so với phương thức sản xuất cũ. Hiện nay, ngoài một lớp đào tạo nghề về kỹ thuật trồng rau công nghệ cao tại xã Phước Vân, trung tâm còn phối hợp tổ chức được 3 lớp tại các xã: Long Hòa, Long Trạch, Long Sơn; thời gian tới sẽ mở thêm 2 lớp ở xã Long Khê và Mỹ Lệ”.

Tại huyện Tân Trụ, thanh long là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao; thế nhưng, khi nói về kỹ thuật trồng thanh long để đạt năng suất cao thì rất nhiều nông dân còn mơ hồ. Vì vậy, để mang lại hiệu quả cao trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vừa qua, huyện mở lớp “Kỹ thuật trồng thanh long theo hướng VietGAP” cho nông dân trên địa bàn xã Đức Tân.

Ông Lê Văn Tròng, ngụ ấp Bình Lợi, xã Đức Tân, chia sẻ: “Đây là lớp học cho những người trồng mới, nhằm giúp nông dân trang bị kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng và chăm sóc thanh long như các khâu: Chọn đất, đắp mô, làm hệ thống tưới, cách trồng, chăm sóc, sử dụng phân bón,... Lớp học kéo dài 2 tháng và nông dân được cấp chứng chỉ đào tạo. Lớp học này rất bổ ích, góp phần rất nhiều để nông dân sản xuất sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu như hiện nay”.


Thời gian qua, nhiều nông dân được đào tạo kỹ thuật trồng thanh long theo hướng VietGAP

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh - Võ Thành Trí cho biết: "Ban chỉ đạo thực hiện đề án các cấp chủ động rà soát nhu cầu, ngành nghề đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT hàng năm, thực hiện theo phương châm “chỉ mở lớp khi địa phương và người học xác định được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học nghề” nên quá trình đào tạo nghề gắn với thế mạnh địa phương, với quy hoạch sản xuất, quy hoạch phát triển KT-XH và quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề, LĐ học nghề nông nghiệp được trang bị những kiến thức cần thiết ứng dụng vào sản xuất đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn”.

Vẫn còn khó khăn

Bên cạnh những kết quả, công tác đào tạo nghề cho LĐNT còn nhiều hạn chế. Trước hết, do sản xuất nông nghiệp còn mang tính chất nhỏ, lẻ, chưa có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân, nhiều khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng,... nên việc định hướng nghề nghiệp và giải quyết việc làm sau khi kết thúc khóa học còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, những nơi vùng sâu, vùng xa, nông dân có nhu cầu được đào tạo nghề, nhưng do cơ sở dạy nghề chưa đủ điều kiện, lại ở xa, khó khăn trong việc đi lại cho giáo viên cũng như khâu thực hành.

Cũng theo ông Võ Thành Trí, tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh chủ yếu phát triển sản xuất nông nghiệp, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, dịch vụ,... chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhu cầu sử dụng LĐ các nghề phi nông nghiệp không nhiều nên địa phương khó có điều kiện triển khai đào tạo các nghề phi nông nghiệp cho LĐNT để chuyển đổi cơ cấu LĐ sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; LĐNT thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách đa số khó khăn về kinh tế phải lo kiếm sống hàng ngày nên vận động học nghề khó khăn; lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ, giá cả hàng hóa thiếu ổn định, tình trạng “được mùa - rớt giá” còn xảy ra ảnh hưởng đến giải quyết việc làm sau học nghề nông nghiệp.

Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đạt hiệu quả cao hơn, tỉnh sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu: Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của học nghề đối với tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống; triển khai thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;...

Mục tiêu của tỉnh, đến cuối năm 2017, đào tạo nghề trên 3.070 LĐNT, trong đó, đào tạo nghề phi nông nghiệp trên 1.445 LĐ, đào tạo nghề nông nghiệp cho trên 1.625 LĐ. Tỷ lệ có việc làm sau đào tạo nghề đạt trên 80%./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết