Chủ động phòng trừ sâu, bệnh
Hơn 1,2ha lúa ĐX 2024-2025 của gia đình ông Nguyễn Văn Chanh (xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ) đang trong giai đoạn làm đòng sắp trổ bông. Vì vậy, trong những ngày tết, ông dành thời gian ra thăm đồng.
Ông Chanh cho biết: “Khoảng 1 tuần nay, trên ruộng lúa xuất hiện rầy nâu, sâu cuốn lá với mật độ thấp. Do đó, dù đang bận rộn trong những ngày tết nhưng tôi vừa tranh thủ thăm đồng và phun thuốc để phòng ngừa 2 đối tượng dịch hại trên; đồng thời, ngừa luôn bệnh đạo ôn cổ bông. Ngoài phun thuốc, tôi còn thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện sinh vật gây hại tấn công cây lúa để phòng trừ hiệu quả”.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm đồng cùng nông dân
Ông Nguyễn Tấn Thành (xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa) bộc bạch: “Năm nào cũng vậy, thời tiết trước, trong và sau tết luôn thuận lợi cho dịch hại xuất hiện và tấn công cây lúa. Vì vậy, dù có bận rộn vui xuân, đón tết thì tôi cũng tranh thủ thăm đồng ít nhất 1 lần mới an tâm”.
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, tình hình dịch hại trên lúa ĐX 2024-2025 không có nhiều biến động và phân bổ ở hầu hết các địa phương có trồng lúa trên địa bàn tỉnh.
Riêng các đối tượng bệnh đạo ôn lá, bệnh cháy bìa lá giảm nhẹ diện tích nhiễm trên các trà lúa giai đoạn đẻ nhánh, đòng trổ; ốc bươu vàng giảm mạnh diện tích nhiễm trên lúa giai đoạn mạ.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường cho biết, trong điều kiện thời tiết se lạnh vào đêm, sáng sớm có sương mù nhẹ, ban ngày có độ ẩm cao nên rất thuận lợi cho nhiều loại dịch hại tấn công và phát triển mạnh trên lúa ĐX, nhất là sâu năn, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn cổ bông, bạc lá, lem lép hạt,...
Ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi sát diễn biến của dịch hại để áp dụng các biện pháp phòng trừ kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất sự gia tăng diện tích lúa bị nhiễm, nhất là trên các ruộng lúa gieo sạ dày và bón thừa phân đạm.
Bên cạnh đó, đề nghị ngành Nông nghiệp các địa phương phối hợp nông dân đi thăm đồng thường xuyên; đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật quản lý, phòng trừ sinh vật gây hại để bảo vệ cây lúa phát triển tốt - ông Nguyễn Văn Cường cho biết thêm.
Ứng phó với hạn, xâm nhập mặn
Bên cạnh các loại dịch bệnh, tình hình hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất cũng là vấn đề cần được ngành Nông nghiệp tỉnh và nông dân quan tâm trong vụ ĐX này.
Thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh, hiện nay, do ảnh hưởng của kỳ triều cường đầu tháng Giêng nên độ mặn trên các tuyến sông Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Tra dao động ở mức từ 0,5-14,4g/l và đang tiếp tục tăng.
Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tại trạm bơm Cây Gáo, huyện Thủ Thừa
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Vàm Cỏ có khả năng tập trung vào tháng 3 và tháng 4-2025 (từ ngày 27/02 đến 04/3/2025; ngày 10 đến 15/3/2025; ngày 29/3 đến 02/4/2025; ngày 27/4 đến 01/5/2025).
Quyền Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Trần Thị Mộng Thúy cho biết, để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với tình hình hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước trong mùa khô 2024-2025, Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi đề nghị Trung tâm Quản lý Khai thác công trình thủy lợi phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện phía Nam và TP.Tân An thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến độ mặn và có kế hoạch vận hành các cống đầu mối hợp lý để điều tiết lấy nước tích trữ vào các kênh, rạch nội đồng khi nguồn nước chưa bị nhiễm mặn, kiểm tra và có kế hoạch xử lý triệt để các cửa cống bị rò rỉ để phủ bạt, thay thế các ron cửa cống bị hư hỏng để tránh tình trạng nước mặn xâm nhập vào bên trong nội đồng nhằm bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Bên cạnh đó, Chi cục cũng đề nghị UBND các huyện phía Nam và TP.Tân An chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ở địa phương thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình chất lượng nước để kịp thời thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến người dân về tình hình chất lượng nguồn nước, độ mặn trên các tuyến sông và trong nội đồng.
Đồng thời, Chi cục khuyến cáo người dân không lấy nước ở các khu vực đã bị nhiễm mặn; tranh thủ lấy nước, tích trữ nước vào ao, đồng ruộng, các trang thiết bị có thể trữ nước (bồn chứa, lu, túi chứa nước,...) khi nguồn nước còn dồi dào và nước mặn chưa xâm nhập vào các kênh, rạch nội đồng, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí và làm ô nhiễm nguồn nước nhằm bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt an toàn./.
Vụ lúa ĐX 2024-2025, nông dân trên địa bàn tỉnh gieo sạ hơn 236.700ha, đạt 105,3% kế hoạch, diện tích thu hoạch 53.275ha, năng suất khô ước đạt 59,50 tạ/ha, sản lượng ước đạt 316.981 tấn. |
Bùi Tùng