Tiếng Việt | English

28/01/2022 - 08:00

Tết sớm trên làng mai vàng

Hàng ngàn gốc mai vàng, mai cổ thụ tại làng mai Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An đang ôm nụ, sẵn sàng tỏa hương xuân đi khắp mọi miền Tổ quốc.

Anh Phạm Thanh Phong bỏ phố về trồng mai, làm giàu trên đất Tân TâyAnh Phạm Thanh Phong bỏ phố về trồng mai, làm giàu trên đất Tân Tây

Bỏ phố về trồng mai

Gần 2 năm bám vào những gốc mai của gia đình khiến khuôn mặt anh Phạm Thanh Phong (42 tuổi, ấp 4, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa) đen sạm như một nông dân chính hiệu. Nhưng ít ai biết, đầu năm 2020, anh còn là quản đốc của Công ty LAMICO tại TP.Tân An với mức lương khoảng 15 triệu đồng/tháng. Vì vườn mai hơn 3ha với trên 6.000 gốc của gia đình chỉ có mình ba anh chăm sóc, thương ba tuổi cao, sức khỏe yếu dần theo năm tháng nên anh bàn với vợ con, xin nghỉ việc, bỏ phố về trồng mai. Những kinh nghiệm tích lũy được trong lúc theo ba trồng mai giúp anh sớm thích nghi công việc. Anh Phong cho biết: “Trồng mai không quá khó nhưng đòi hỏi lòng kiên nhẫn, tận tụy và phải có chút khiếu nghệ thuật thì mới chăm sóc cây mai được đẹp, có dáng, tàn, thế để đáp ứng nhu cầu người chơi mai”. 

Mặc dù mới trồng mai nhưng anh đã “bén duyên” với cây mai từ những ngày còn đi học. “Năm đó, tôi học cấp 2, vô tình thấy 2 cây mai mọc hoang bên bờ kênh nên bứng về trồng trước cửa nhà. Cứ thế, cây lớn nhanh và dáng đẹp. Nhiều năm sau, khi vào đại học, kinh tế gia đình còn khó khăn, có người tới trả giá mua 2 cây mai, ba tôi bán với giá 4-5 triệu đồng - một số tiền khá lớn thời điểm đó. Rồi ở ấp có anh Trần Văn Thống, sau thời gian học nghề cây kiểng ở Bến Tre đã mang cây mai về vùng đất này ươm mầm, khai mở làng mai Tân Tây” - anh Phong cho biết. 

Nói về thu nhập từ trồng mai, anh khẽ cười: “Mức lương trước đây của tôi giờ không bằng phân nửa gốc mai”. Trong số hơn 6.000 gốc mai của gia đình anh, hiện có khoảng hơn 300 gốc mai cổ thụ có giá trị kinh tế cao. Nếu so với trồng lúa 2 vụ hay trồng tràm thì lợi nhuận của người trồng mai gấp khoảng 20 lần. Cũng từ cây mai, xóm nghèo ấp 4 năm nào vươn lên trù phú, những ngôi nhà mái Thái khang trang đua nhau mọc lên và nhiều người trong làng nắm trong tay tiền tỉ.

Mang hương xuân phương Nam đi mọi miền Tổ quốc

Qua những con đường nhỏ quanh co, men theo mấy bờ kênh dẫn lối là đến thủ phủ mai vàng Tân Tây. Khắp các cánh đồng ấp 4 bạt ngàn một màu xanh của những vạt mai. Theo những người trồng mai lâu năm tại đây, cả làng mai Tân Tây là một cù lao được bao bọc bởi khúc sông Vàm Cỏ Tây uốn lượn, qua nhiều năm bồi đắp tạo ra chất đất phù hợp với cây mai vàng. Cùng với việc giữ được giống mai nguyên thủy, cây mai Tân Tây lớn nhanh, cho bộ tàn, bộ đế đẹp. “Nếu như mai trồng ở vùng khác phải mất nhiều năm mới được bộ hoành từ 20-30cm thì mai vùng đất này chỉ cần 3 - 5 năm. Thương lái, người chơi mai ưa chuộng bởi mai của làng có sức sống mạnh, bộ rễ khỏe và cả cách uốn dáng, tạo bộ đế riêng biệt, hiếm có của những người trồng mai Tân Tây.

Nếu so sánh về lịch sử thì làng mai Tân Tây khó so với các làng mai nổi tiếng như làng mai Thủ Đức, Bình Lợi (TP.HCM) hay làng mai cổ thụ Phước Định (tỉnh Vĩnh Long),... nhưng hiện tại, sức hút của làng mai Tân Tây không kém phần, thậm chí là vượt trội” - anh Phạm Thanh Phong cho biết. Minh chứng cho điều này, anh khẳng định, trước đây, đa số mai Tân Tây chỉ phục vụ thị trường các tỉnh miền Tây và TP.HCM thì nay, thương lái cả vùng Đông Nam bộ, miền Trung, Tây Nguyên hay thậm chí là các tỉnh, thành miền Bắc cũng đến tìm mua. Người gần thì đến xem để mua trực tiếp, người ở xa thì chúng tôi quay clip, thỏa thuận mua bán qua mạng trước khi bứng mai đưa đi các tỉnh, thành. 

Mai Tân Tây được bán quanh năm nhưng có lẽ nhộn nhịp nhất là những tháng giáp tết. Tuy năm nay ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến thị trường trầm lắng hơn mọi năm nhưng mai vàng Tân Tây chưa bao giờ thiếu khách. Ông Trần Văn Vị - người trồng mai lâu năm nhất làng, nhẩm tính: “Mọi năm giờ này, thương lái nhiều lắm! Qua tháng Chạp là cả làng bán được chừng vài chục tỉ đồng. Năm nay, nghe đâu mới được gần 10 tỉ. Nhưng chúng tôi cũng không lo lắm bởi mai càng lâu năm càng có giá trị”.

Khu vườn mai của ông ước chừng 4ha với đủ các lứa mai, từ bình dân vài ba triệu đến vài chục triệu đồng/gốc. Thậm chí, cá biệt, ông là người duy nhất của làng sở hữu những gốc mai tiền tỉ. “Năm ngoái, tôi bán 220 gốc mai già, thu về 13 tỉ đồng. Năm nay, có nhiều thương lái điện thoại đến hỏi nhưng tôi còn tiếc nên chưa có ý định bán” - ông Vị cho biết. 

Ông Trần Văn Vị - người trồng mai lâu năm nhất làng nghề, tự hào khi sở hữu những gốc mai vàng được định giá tiền tỉÔng Trần Văn Vị - người trồng mai lâu năm nhất làng nghề, tự hào khi sở hữu những gốc mai vàng được định giá tiền tỉ

Theo ông Nguyễn Văn Hoàng - Trưởng ban Đại diện làng mai vàng Tân Tây, với gần 370ha mai vàng của làng, ước tính giá trị hiện tại khoảng 1.400 tỉ đồng. Chỉ riêng năm vừa qua, làng mai xuất bán ra thị trường với giá trị trên 100 tỉ đồng. “Ngày nào thương lái các tỉnh miền Tây cũng điện hỏi mua mai nhưng chúng tôi vẫn còn lo sợ dịch bệnh nên chỉ những người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin mới được tới lui mua bán. Nhưng chắc đến cuối tháng Chạp, mai vàng của làng sẽ xuất bán nhiều” - ông Hoàng khẳng định. 

Cây mai không chỉ giúp vùng quê nghèo trở nên trù phú, nâng cao đời sống người dân mà còn giúp tiếng tăm Tân Tây vang xa cả nước. “Chúng tôi chỉ mong con đường về làng mai sớm được mở rộng, không chỉ để phát triển nghề mai mà còn là “cầu nối” để người dân làng mai hướng đến phát triển du lịch, dịch vụ tăng thêm giá trị cho cây mai và để chắp cánh cho mai vàng Tân Tây tỏa đi khắp mọi miền Tổ quốc, mang hương xuân làm đẹp cho đời”- ông Vị mong ước./.

Thụy Anh

Chia sẻ bài viết