Tiếng Việt | English

11/02/2017 - 09:49

Thận trọng với thuốc nhuộm tóc

Nhuộm tóc là nhu cầu làm đẹp của phụ nữ nhưng không nên lạm dụng vì thuốc nhuộm tóc có nhiều tác hại cho tóc và sức khỏe. Thuốc nhuộm tóc có thể gây dị ứng và còn có khả năng gây ung thư.

Dùng thuốc nhuộm tóc không đúng cách có thể làm tổn thương da đầu và nhiều tác dụng phụ khác. Minh họa: KT

Hiện nay, sản phẩm thuốc duỗi, nhuộm tóc phong phú về chủng loại, nhãn hiệu, giá cả. Hàng được nhập từ Mỹ, Nhật, Ý, Hàn Quốc,... giá có thể lên tới vài trăm ngàn đồng, hàng của Thái Lan chỉ từ vài chục ngàn đồng/sản phẩm; những loại thuốc nhuộm tóc của Trung Quốc thì giá rẻ hơn. Trên thị trường hiện nay, có khoảng 80% thuốc nhuộm tóc có xuất xứ từ Trung Quốc và nhiều sản phẩm không rõ xuất xứ.

Trưởng khoa Da liễu Bệnh viện Đa khoa Long An - bác sĩ Lê Hiếu Đức cho biết: Trên thị trường hiện có 2 dạng thuốc nhuộm tóc. Loại thứ nhất là loại có thành phần thảo dược: Cỏ mực, đậu đen, cây cỏ ngọt, lá cây henna,... do có thành phần tự nhiên nên lành tính, không gây hại. Loại thứ 2 là loại thuốc nhuộm có thành phần hóa học. Hiện có trên 5.000 chất hóa học có trong thuốc nhuộm tóc, trong đó có chất Paraphenylenediamin (PPD), Amoniac, Propylenglycol, Isopropyl alcohol, các kim loại nặng như chì, bismuth, hắc ín,... Riêng chất Paraphenylenediamin (PPD) thường được sử dụng trong thuốc nhuộm tóc được chứng minh gây dị ứng, chàm, loét da, ung thư. Chất Propylenglycol có trong thuốc nhuộm tóc gây ảnh hưởng đến gan, thận, não,... Chất Isopropyl alcohol có trong thuốc nhuộm tóc gây trầm cảm, nhức đầu.

Do các thuốc nhuộm tóc từ thiên nhiên chi phí cao nên các nhà sản xuất sử dụng hóa chất để giảm giá thành. Các thuốc nhuộm tóc có kích thước phân tử nhỏ để tấn công và làm thay đổi cấu trúc bên trong tóc. Do đó, những chất độc này dễ dàng thâm nhập vào nang tóc và hòa trộn vào máu.

Cũng theo bác sĩ Lê Hiếu Đức, ảnh hưởng thường gặp khi sử dụng thuốc nhuộm tóc là viêm da tiếp xúc do dị ứng với thuốc. Các thuốc nhuộm tóc thường gây mẫn cảm chéo nên nhiều người từng bị dị ứng với loại thuốc nhuộm này khi đổi sang thuốc nhuộm tóc khác vẫn bị. Biểu hiện của dị ứng đó là ngứa dữ dội, nổi mụn nước ở da đầu, chảy nước, đóng vảy,… Một số ít có thể gặp biến chứng nhiễm trùng.

Theo lý thuyết thì tất cả các thuốc nhuộm tóc đều không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng thực tế thì mỗi hãng sản xuất các hoạt chất trong thuốc không bao giờ đạt tinh khiết 100% và điều đáng ngại là có chứa 2-3% tạp chất. Hóa chất trong sản phẩm sẽ làm mất lớp bảo vệ phía ngoài cùng của tóc, làm tóc xơ rối, giảm độ bóng, dễ gãy rụng, chẻ ngọn, thay đổi sắc tố da đầu ở người sử dụng. Các tiệm làm tóc hầu như không bao giờ cảnh báo với khách về khả năng xảy ra dị ứng do thuốc.

Bác sĩ Lê Hiếu Đức khuyến cáo: Làm đẹp là nhu cầu cần thiết nhưng hãy nhuộm tóc khi thật sự cần; cần lựa chọn các sản phẩm có uy tín, chất lượng, phù hợp mái tóc; khoảng cách giữa 2 lần nhuộm tóc nên trên 6 tháng. Trước khi nhuộm, nên bôi thử thuốc vào mặt trong cánh tay và theo dõi 1 đến 2 ngày xem có bị dị ứng với thuốc hay không. Cần tránh để thuốc nhuộm chạm vào chân tóc. Sau khi nhuộm, nên chăm sóc tóc kỹ hơn, gội đầu bằng các loại dầu gội, dầu xả có thành phần dưỡng ẩm cho tóc. Nếu thường xuyên nhuộm và không gội sạch đầu, chất độc hại trong thuốc nhuộm có thể phá hủy da, ngấm qua da, tích lũy trong cơ thể, dẫn đến các bệnh nguy hiểm. Bên cạnh đó, cần có chế độ ăn uống đầy đủ các thực phẩm có lợi cho mái tóc như: Biotin, protein, omega-3, vitamin B,... có trong cá hồi, sò, hàu, tôm, thịt gia cầm, trứng,...

Những người không nên nhuộm tóc là người cao tuổi; phụ nữ có thai, đang cho con bú; những người dị ứng thuốc, sơn dầu, thực phẩm, phấn hoa,... Sau khi nhuộm tóc, nếu có dấu hiệu bất thường, cần đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, hướng dẫn điều trị kịp thời./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết