Tiếng Việt | English

31/01/2017 - 20:14

Thạnh Hóa: Phát triển quê hương, vươn đến thịnh giàu

Về huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An trong những ngày cận Tết Đinh Dậu 2017, ai cũng cảm nhận được sự đổi thay ở một vùng quê thuần nông. Kết cấu hạ tầng khang trang, nhất là giao thông đi lại thuận tiện và đời sống người dân không ngừng được nâng lên.

Tiềm năng từ những vùng chuyên canh

Chúng tôi có dịp về xã Thủy Đông thăm cánh đồng khoai mỡ, tham quan cánh đồng khóm đang mùa thu hoạch ở xã Tân Tây và cánh đồng lớn xã Thủy Tây đang vào vụ lúa Đông Xuân. Chính những cánh đồng này mang lại áo cơm, đèn sách cho bao thế hệ, những ngôi nhà ngói mới mọc lên ngày càng nhiều,...

Đặc biệt, mỗi độ xuân về, những cánh đồng này lại hiện lên màu xanh tươi mơn mởn của lúa, chanh, màu vàng rực của những trái khóm chín. Tất cả tạo thành một bức tranh thanh bình, sinh động giữa nền trời tràn ngập ánh xuân.

Kiểm tra lại giống khoai mỡ để chuẩn bị cho mùa sau

Anh Nguyễn Văn Tài, ở ấp 5, xã Tân Tây là người đầu tiên đưa cây khóm về “bén duyên” với vùng đất này. Đến nay, anh có 5ha đất trồng khóm. Cây khóm đang là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của xã. Khóm rất dễ trồng và đỡ tốn công chăm sóc hơn cây lúa. Giá khóm hiện tại bình quân 7.500 đồng/kg.

Anh Tài phấn khởi: “Nếu giá khóm 5.000 đồng/kg thì nông dân đã có lãi. Nhờ chuyển từ cây tràm, khoai mỡ sang trồng khóm phù hợp với vùng đất giúp người dân chúng tôi có cuộc sống khấm khá hơn, mỗi mùa xuân về, mọi người đón năm mới thịnh vượng hơn”.

Theo Chủ tịch UBND xã Tân Tây - Nguyễn Văn Chẳn, Đảng ủy xã có Nghị quyết chuyên đề về xây dựng vùng nguyên liệu khóm ở ấp 5 đến năm 2020 là 600ha, hiện tại là 322,7ha. Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ người dân trồng khóm trên 400 triệu đồng (cho mượn), mỗi hécta được hỗ trợ 11 triệu đồng. Qua đó, giúp các hộ có điều kiện kinh tế khó khăn mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ cây tràm, lúa, khoai mỡ sang cây khóm - loại cây mang hiệu quả kinh tế cao ở vùng đất Tân Tây.

"Nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất cũng như ổn định đầu ra cho khóm, địa phương thành lập được 6 tổ hợp tác trồng khóm. Xã tiếp tục vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, mỗi năm phấn đấu vận động phát triển 100ha khóm. Mong rằng, tỉnh sớm đầu tư xây dựng hệ thống đê bao kiên cố và trạm bơm điện phục vụ 600ha cho vùng chuyên canh này” - Nguyễn Văn Chẳn cho biết thêm.

Nông dân phấn khởi khi chanh mang lại hiệu quả kinh tế cao

Một trong những loại cây trồng khác giữ vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp được chọn xây dựng vùng chuyên canh là khoai mỡ ở xã Thủy Đông. Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Đông - Nguyễn Thanh Thinh cho biết: Hiện tại, toàn xã có trên 800ha đất trồng khoai mỡ. Theo chỉ tiêu nghị quyết, năm 2020, nơi đây sẽ là vùng chuyên canh khoai mỡ với 1.000ha.

“Điều mà người dân cũng như lãnh đạo xã mong muốn là cấp trên sớm đầu tư nạo vét kênh kết hợp xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn và trạm bơm điện để chủ động trong sản xuất. Riêng xã vận động nhân dân cùng Nhà nước giải phóng mặt bằng để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ tưới tiêu và vận chuyển hàng hóa. Dự kiến, năm 2017 nạo vét tuyến kênh 500 và kênh 27 đi đôi với xây dựng đường giao thông nông thôn” - ông Nguyễn Thanh Thinh thông tin.

Anh Phan Thành Dũng, ở ấp Đông Hòa, xã Thủy Đông phấn khởi: “Được địa phương chọn vùng đất này hình thành vùng chuyên canh khoai mỡ, ai cũng phấn khởi. Bình quân 1ha khoai mỡ có lợi nhuận 70 triệu đồng/năm. Khoai mỡ năm nay được mùa, được giá nên chúng tôi đón tết sung túc hơn”.

Tập trung đầu tư

Bí thư Huyện ủy Thạnh Hóa - Phan Quang Nghiệp cho biết: 1 trong 2 chương trình đột phá của huyện là “Chương trình xây dựng ngành nông nghiệp hàng hóa, có sức cạnh tranh cao, gắn với công nghiệp chế biến nông sản”. Để thực hiện chương trình đột phá này đạt hiệu quả cao, huyện đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển mạnh mô hình chuyên canh.

Huyện sẽ mở rộng và phát triển vùng lúa chất lượng cao ở các cánh đồng lớn, gắn với làm tốt khâu chế biến và bảo quản nông sản, làm tăng giá trị thương phẩm, góp phần cùng ngành nông nghiệp tỉnh tham gia thực hiện Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam theo Quyết định 706/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thu hoạch khóm. Ảnh: Phạm Tên

Địa phương phấn đấu đến năm 2020, nâng diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao đạt gần 9.000ha/năm, đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, áp dụng quy trình tiên tiến trong sản xuất. Huyện tăng cường hỗ trợ việc hướng dẫn xây dựng mối liên kết “4 nhà”, tiêu thụ nông sản theo hợp đồng kinh tế; thực hiện đầy đủ các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.

Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn để người dân thấy được lợi ích, tích cực thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” cùng xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp: Đê bao lửng, trạm bơm điện, nạo vét kênh, mương nội đồng,...


Người dân đang chăm sóc cây khoai mỡ

Song song đó, huyện tiếp tục đầu tư xây dựng các vùng chuyên canh khóm, khoai mỡ theo quy hoạch; khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế. Phấn đấu đến năm 2020, huyện có vùng lúa chất lượng cao 3.116ha tại các xã Thủy Đông, Tân Tây, Thạnh An; vùng trồng lúa nếp tiêu chuẩn xuất khẩu 10.000ha tại các xã Tân Đông, Tân Tây, Thủy Đông; vùng chuyên canh khóm 600ha tại xã Tân Tây; vùng chuyên canh khoai mỡ 1.000ha tại xã Thủy Đông.

Những cánh đồng lúa, khoai mỡ, chanh xanh ngát cùng những cánh đồng khóm đang mùa thu hoạch cho thấy được tiềm năng phát triển vùng chuyên canh của huyện. Đất và người Thạnh Hóa đang phát huy truyền thống anh hùng, dồn hết sức mạnh của ý Đảng, lòng dân nhằm xây dựng quê hương vươn đến thịnh giàu.

Những cánh đồng lúa, khoai mỡ, chanh xanh ngát cùng những cánh đồng khóm đang mùa thu hoạch cho thấy được tiềm năng phát triển vùng chuyên canh của huyện. Đất và người Thạnh Hóa đang phát huy truyền thống anh hùng, dồn hết sức mạnh của ý Đảng, lòng dân nhằm xây dựng quê hương vươn đến thịnh giàu./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết