Lãnh đạo tỉnh tổ chức đoàn công tác đến một số quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm quảng bá, mời gọi đầu tư
Sức hút mạnh mẽ
Tại Hội thảo vùng về phát triển kinh tế, gắn với bảo vệ môi trường và giới thiệu chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) tổ chức tại tỉnh Trà Vinh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá rất cao quan điểm chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh Long An khi cân bằng khá tốt giữa phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm đến cải tạo môi trường xanh, phát triển kinh tế xanh, từ đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, trở thành một điểm sáng của các tỉnh, thành phố phía Nam cả về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và PGI.
Trước làn sóng dịch chuyển đầu tư từ các nước khác sang Việt Nam, Long An đã và đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh để tạo đột phá trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong 4 tháng đầu năm 2023, tỉnh cấp mới 11 dự án (DA) đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đăng ký mới 13.943 tỉ đồng (tăng 1.828 tỉ đồng so cùng kỳ). Đặc biệt, đối với DA đầu tư nước ngoài (FDI), tỉnh cấp mới 23 DA với tổng vốn đăng ký mới 370 triệu USD (tăng 143 triệu USD so cùng kỳ). Đa phần các DA đầu tư được cấp mới đều nằm trong các khu công nghiệp (KCN) thuộc các huyện trọng điểm kinh tế của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có trên 15.600 doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động kinh doanh, tổng vốn đăng ký 358.021 tỉ đồng. Ngoài ra, tỉnh có 2.169 DA đầu tư DDI, vốn đăng ký 231.677 tỉ đồng; có 1.171 DA FDI, vốn đăng ký 10,1 tỉ USD.
Toàn tỉnh có 37 KCN và 62 cụm công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích khoảng 15.000ha. Đối với KCN, có 35 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam với tổng diện tích 11.944ha và 2 KCN nằm trong Khu kinh tế Cửa khẩu Long An với tổng diện tích 340,5ha. Đến nay, có 24 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư, diện tích đất sạch sẵn sàng cho thuê còn lại trong các KCN trên 694ha. Đối với cụm công nghiệp, có 23 cụm đi vào hoạt động với tổng diện tích đất đã cho thuê 812,3ha.
Hiện nay, Long An đứng thứ 3 cả nước về quy mô quy hoạch các KCN. Về thu hút vốn đầu tư trong nước tại các KCN, Long An cũng đang đứng thứ 3 cả nước, còn thu hút vốn FDI đứng thứ 12 cả nước. Sau khi UBND tỉnh tổ chức đoàn công tác đến một số quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) nhằm quảng bá, mời gọi đầu tư, vị thế Long An được nâng tầm. Những tháng đầu năm 2023, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư hàng loạt DA có vốn triệu USD của các nhà đầu tư danh tiếng như Misubishi, Yokorei, Suntory Pepsico Việt Nam, Billion Ascent, Jungwon Vina, VNB Factory, King Mingo,... Lãnh đạo tỉnh đang nỗ lực làm việc với một số nhà đầu tư trong và ngoài nước để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư.
Quyết tâm tháo gỡ điểm nghẽn
Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư và tổ chức nhiều đoàn xúc tiến đầu tư từ các quốc gia phát triển. Động thái này cũng có ý nghĩa mang tính quyết định trong chiến lược của Long An. Hiện tỉnh cố gắng, nỗ lực hơn để nâng cao thêm vị thế về thu hút vốn đầu tư.
Theo kết quả công bố từ VCCI, PCI năm 2022 Long An tăng 6 bậc trong bảng xếp hạng, nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có chỉ số điều hành kinh tế xuất sắc. Kết quả PCI năm 2022 của tỉnh dù được cải thiện về điểm số và thứ bậc, song để thu hút đầu tư, trong năm 2023 vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhất là cải thiện chỉ số về gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chính sách hỗ trợ DN, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý. Tại Hội nghị đánh giá PCI năm 2022, Long An cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, những nỗ lực cải thiện chưa thực sự phát huy hiệu quả, vẫn còn những rào cản, điểm nghẽn, bất cập trong quản lý, điều hành, thực thi công vụ. Những điểm nghẽn này, tỉnh quyết tâm khắc phục một cách sớm nhất để nâng cao vị thế và thu hút đầu tư.
Theo đó, trên cơ sở đánh giá các chỉ số thành phần PCI, để môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng thông thoáng hơn, các chỉ số thành phần của PCI đều tăng dần qua từng năm, hướng tới mục tiêu vị trí của Long An trên bảng xếp hạng PCI luôn duy trì trong tốp đầu cả nước, tỉnh sẽ tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực ngân sách, huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng bền vững. Tỉnh xác định rõ các DA trọng tâm, trọng điểm có tính động lực cao; phát triển liên kết vùng; đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; chú trọng thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Tỉnh cũng chủ động rà soát, xác định giá đất cụ thể, sát với thị trường, góp phần thực hiện tốt việc giải phóng mặt bằng.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc, hỗ trợ tái định cư để các DA sớm được triển khai và đi vào hoạt động.Về công tác hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ DN, tỉnh tập trung triển khai hiệu quả Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2023. Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư “tại chỗ” với nhiều giải pháp thiết thực thông qua đẩy mạnh giải pháp hỗ trợ các DA đầu tư đang triển khai tại tỉnh. Đồng thời, tỉnh nâng cao chất lượng hỗ trợ DN gắn với nhu cầu thực tiễn của cộng đồng DN. Tỉnh cũng thường xuyên theo dõi, bám sát, nắm bắt kịp thời tình hình triển khai các DA đầu tư, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN để từ đó đề ra giải pháp hỗ trợ hiệu quả. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, DN.
Công tác cải cách hành chính cũng được tỉnh tiếp tục thực hiện thông qua rà soát, tham mưu cắt giảm hoặc bãi bỏ các giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh không còn cần thiết. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh quán triệt lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, không đùn đẩy trách nhiệm. Qua đó, phát huy tính năng động, tiên phong sáng tạo của lãnh đạo các cấp trong thực thi chính sách, pháp luật nhằm hỗ trợ, phát triển DN. Lãnh đạo tỉnh sẽ tăng cường tiếp xúc, đối thoại với DN qua nhiều kênh giao tiếp nhằm lắng nghe ý kiến đề xuất, kịp thời giải quyết phản ánh, kiến nghị của nhà đầu tư một cách thiết thực và hiệu quả; chủ động phối hợp, trao đổi thông tin giữa các sở, ngành, địa phương để nâng cao hiệu quả quá trình quản lý của bộ máy hành chính nhà nước./.
Mai Hương