Tiếng Việt | English

24/03/2016 - 11:21

Thay đổi nhận thức, chuyển biến hành vi

Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ) nhằm thay đổi nhận thức, chuyển biến hành vi của người dân trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), hỗ trợ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ tại các vùng khó khăn, mức sinh cao, địa phương có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng.

Các CTV tích cực vãng gia, tuyên truyền thực hiện các biện pháp tránh thai cho các đối tượng

Chiến dịch gồm 2 đợt, mỗi đợt 1,5 tháng. Trong đó, đợt 1 diễn ra từ ngày 15-3 đến 30-4-2016 tại 117 xã, phường thuộc 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Các địa phương chủ động chọn thời điểm thích hợp đăng ký và tổ chức thực hiện để chiến dịch đạt hiệu quả cao nhất. Đối tượng chiến dịch hướng đến là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 1 hoặc 2 con, chưa thực hiện biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại hoặc nam, nữ chuẩn bị kết hôn.

Mục tiêu chiến dịch nhằm thực hiện các kế hoạch, chỉ tiêu về triệt sản, đặt dụng cụ tử cung, sử dụng thuốc tiêm, thuốc cấy tránh thai. Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản được cung cấp thông tin, nâng cao hiểu biết về SKSS/KHHGĐ, kiến thức về sàng lọc trước sinh, sơ sinh; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được khám, điều trị bệnh phụ khoa và tầm soát ung thư đường sinh dục, nhất là đối với phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Chiến dịch cũng tập trung truyền thông ở các đối tượng là những cặp vợ chồng trẻ có đủ số con, các cặp vợ chồng có con một bề nhưng chưa thực hiện BPTT; lồng ghép các nội dung sàng lọc trước sinh, sơ sinh và tư vấn kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; tư vấn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chiến dịch còn tuyên truyền thông qua các hình thức trực quan như: Treo băng rôn, khẩu hiệu; tổ chức mít-tinh, các buổi hội thảo, nói chuyện chuyên đề. Đặc biệt ưu tiên hoạt động vãng gia trực tiếp vận động tại nhà và tư vấn đối tượng tại điểm khám.

Hiện tại, huyện Bến Lức bắt tay thực hiện chiến dịch. Trong đó, An Thạnh là xã mở đầu thực hiện vào ngày 18-3-2016. Cán bộ DS-KHHGĐ xã An Thạnh - Lê Thị Ngọc cho biết, xã tăng cường tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề tại ấp 1A, 1B và ấp 2. Nội dung xoay quanh các BPTT, sàng lọc trước sinh, sơ sinh, tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân,... để người dân nâng cao nhận thức. Trạm Y tế xã cũng dự trù thuốc, phương tiện tránh thai và phân công cán bộ chuyên môn thường trực để phục vụ đối tượng trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch. Các cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em (gọi tắt là CTV) phát thư mời, vận động và thuyết phục đối tượng đến điểm cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ.

Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Bến Lức - Nguyễn Thị Kiểu cho biết, huyện sẽ tập trung hoàn thành 70% chỉ tiêu năm 2016 của chiến dịch trong đợt 1. Huyện sẽ tổ chức chiến dịch tại 10 xã có mức sinh con thứ 3 còn cao, gồm: An Thạnh, Bình Đức, Thạnh Đức, Nhựt Chánh, Long Hiệp, Tân Bửu, Mỹ Yên, Phước Lợi, Thạnh Lợi và Thạnh Hòa.

Toàn huyện có 101 ấp, khu phố với 326 CTV, trung bình mỗi CTV phụ trách 110 hộ. Trung tâm DS-KHHGĐ huyện phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức hội nghị (trước ngày 11-3-2016) để tổ chức chiến dịch được chu đáo, cung cấp dịch vụ chất lượng. Đài Truyền thanh huyện, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện cũng tích cực phối hợp tuyên truyền cho chiến dịch.

Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, trong chiến dịch sẽ có đội lưu động gồm cán bộ Trung tâm DS-KHHGĐ, Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố và các trạm y tế tổ chức cung cấp dịch vụ tại các xã. Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ máy siêu âm cho đội lưu động để thực hiện sàng lọc trước sinh, tầm soát ung thư phụ khoa miễn phí cho phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ ở vùng xa, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn.

Các cơ sở dịch vụ CSSKSS ở bệnh viện tỉnh, huyện, khu vực tư vấn, bảo đảm kỹ thuật cho đối tượng chấp nhận BPTT lâm sàng, tổ chức tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân. 

Chiến dịch nhằm làm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của các đối tượng trong độ tuổi sinh sản về DS-KHHGĐ. Đây cũng là nền tảng giúp Long An hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2016 về công tác DS-KHHGĐ, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng giống nòi và ổn định quy mô dân số trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu cụ thể của chiến dịch CSSKSS/KHHGĐ 2016:

1. Số người mới chấp nhận BPTT:

Mục tiêu của chiến dịch tại mỗi xã là bảo đảm hoàn thành 50% chỉ tiêu kế hoạch năm về triệt sản; 60% về đặt dụng cụ tử cung; 60% về sử dụng thuốc tiêm, thuốc cấy tránh thai. Cụ thể:
- Triệt sản: 117 ca.
- Dụng cụ tử cung: 7.802 ca.
- Thuốc tiêm: 1.609 ca.
- Thuốc cấy: 366 ca.

2. Bảo đảm 90% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản được cung cấp thông tin, tư vấn nâng cao hiểu biết về SKSS/KHHGĐ, kể cả kiến thức về sàng lọc trước sinh, sơ sinh; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân.

3. Khám, điều trị phụ khoa và tầm soát ung thư đường sinh dục.
a) Khám phụ khoa: 
- Số phụ nữ được khám phụ khoa: 23.400 ca.
- Số phụ nữ được soi tươi: 11.700 ca.
- Số phụ nữ được điều trị: 16.380 ca.
b) Khám tầm soát ung thư phụ khoa: 
Siêu âm, phết tế bào âm đạo cho phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để tầm soát ung thư phụ khoa.
- Siêu âm: 4.680 ca.
- Phết tế bào âm đạo: 2.340 ca.

4. Nâng cao chất lượng dân số
Bảo đảm hoàn thành 30% chỉ tiêu kế hoạch năm về sàng lọc trước sinh và tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân. Cụ thể:
- Sàng lọc trước sinh: 6.477 thai phụ.
- Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân: 2.170 trường hợp.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết