Tiếng Việt | English

05/04/2023 - 19:22

Thu nhập ổn định từ trồng rau màu công nghệ cao

Với nhiều năm kinh nghiệm gắn bó công việc trồng rau các loại đã giúp ông Nguyễn Văn Cưng và bà Ngô Thị Tám (khu phố Phú Nhơn, phường 5, TP.Tân An, tỉnh Long An) có nguồn thu nhập ổn định. Hiện tại, ông bà ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chuyên canh trên 0,4ha đất với các loại rau cải, đậu bắp, dưa leo,...

Năng suất rau màu tăng rõ rệt nhờ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất

Trước đây, ông Cưng và bà Tám trồng lúa nhưng đất trũng thường xuyên bị ngập nước nên năng suất không cao. Thấy vậy, ông bà quyết định chuyển sang chuyên canh rau màu. Là hội viên Hội Nông dân Việt Nam phường 5, TP.Tân An, ông Cưng thường xuyên được tuyên truyền, vận động thi đua lao động, sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong quá trình canh tác. Bên cạnh việc vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm, ông Cưng còn tham gia các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật do Hội Nông dân Việt Nam phường tổ chức để có thể vận dụng vào mô hình của gia đình sao cho hiệu quả nhất.

Năm 2021, được sự tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP.Tân An, gia đình ông Cưng bắt đầu áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm. Được biết, tổng kinh phí vật tư lắp đặt cho mô hình trên 50 triệu đồng, trong đó, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP.Tân An hỗ trợ 17 triệu đồng. Theo ông Cưng, mô hình tưới nước tiết kiệm rất tiện lợi, hữu ích, chỉ cần vài thao tác là có thể vận hành tưới, tiêu trên diện tích lớn, giúp việc tưới nước, chăm sóc cây thuận tiện hơn. Từ đó, rút ngắn thời gian, công sức và tiết kiệm nước so với tưới thủ công trước đây. Đối với các loại rau, khi ứng dụng hệ thống tưới phun tự động, cây phát triển tốt, cho năng suất cao hơn bên ngoài khoảng 10-15%. Thời gian cho thu hoạch ngắn hơn quy trình sản xuất thông thường từ 3-5 ngày.

Nắm bắt nhu cầu thị trường, vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, ông Cưng và bà Tám trồng 0,2ha khổ qua và dưa leo. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất an toàn, khổ qua và dưa leo cho năng suất cao, được bán với giá 15.000-20.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông bà thu lợi nhuận gần 20 triệu đồng. Nhờ thay đổi cách thức tổ chức sản xuất mà ông Cưng và bà Tám tạo ra những sản phẩm có giá trị, nâng cao thu nhập.

Bà Tám chia sẻ: “Trước đây, nếu sắp thu hoạch mà gặp thời tiết xấu, mưa nhiều, rau bị úng là coi như mất trắng một vụ. Từ khi sản xuất theo quy trình ứng dụng công nghệ cao, năng suất rau tăng rõ rệt, vụ nào cũng có lãi. Nhờ được hỗ trợ kinh phí đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động nên tôi tiết kiệm thời gian, chi phí. Nếu như trước đây phải mất 2 giờ để tưới rau thì hiện nay chỉ mất khoảng 15 phút nên tiết kiệm được công lao động và có thời gian để chăm sóc rau”.

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất mà gia đình ông Cưng có cuộc sống sung túc hơn trước rất nhiều. Từ đó, có điều kiện thuê thêm 0,2ha đất để canh tác. Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam phường 5, TP.Tân An - Phạm Đỗ Thúy Hằng cho biết: “Thời gian qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, mô hình trồng rau tưới nước tiết kiệm của hội viên Nguyễn Văn Cưng là một điển hình. Thời gian tới, Hội tiếp tục nhân rộng mô hình ra các hội viên. Qua đó, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương không ngừng phát triển”./.

Thùy Minh

Chia sẻ bài viết