Tiếng Việt | English

25/09/2017 - 04:30

Thủ tướng và chuyện tìm giải pháp bền vững phát triển ĐBSCL

Các thách thức dự báo sẽ đến nhanh hơn đối với ĐBSCL. Chính phủ đã nhận rõ điều này và việc tìm giải pháp đã được thúc đẩy nhanh chưa từng có.

Trong hai ngày 26 và 27/9 tại Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn nhằm phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn đến năm 2100.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang có những ảnh hưởng sâu rộng đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam; đã và đang gây ra rất nhiều sự thay đổi như nhiệt độ trung bình năm tăng 0.5oC trong vòng 70 năm; số lượng các đợt không khí lạnh giảm đáng kể trong vòng 2 thập kỷ; hình thái bão thay đổi và bão với cường độ lớn xuất hiện ngày càng nhiều hay mực nước biển dâng lên khoảng 20 cm trong vòng 50 năm… Những thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt đã được đề cập tới trong nhiều năm qua, với ý kiến của rất nhiều nhà khoa học, các chuyên gia trên mọi lĩnh vực, của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương và cả các tổ chức quốc tế.

Việt Nam là một trong những nước ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và đã có nhiều chủ trương, chính sách về vấn đề này. Chúng ta đã làm đồng bộ 3 hợp phần về đầu tư, chính sách và nâng cao năng lực trong ứng phó biến đổi khí hậu. Hàng loạt giải pháp đã được đưa ra. Thế nhưng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “biến đổi khí hậu đang tới rất nhanh. Chúng ta đối mặt với nhiều thách thức nhanh hơn dự báo”.

Chỉ cần dõi theo những thay đổi tại vùng châu thổ Sông Cửu Long (ĐBSCL), một trong 5 đồng bằng lớn chịu tác động rất lớn của BĐKH sẽ rõ sự cấp bách như thế nào. ĐBSCL – nơi được ví như một trong những nồi cơm của thế giới là vùng đất trù mật, giàu tiềm năng phát triển kinh tế, đóng góp khoảng 18% GDP toàn quốc, với 90% tổng lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và 70% sản lượng trái cây cả nước. Tuy nhiên sự trù phú này sẽ sớm bị ảnh hưởng bởi sự tàn phá khốc liệt của BĐKH.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các cánh đồng mẫu, trồng các giống lúa mới của một trung tâm nghiên cứu nông nghiệp tại An Giang, ngày 14/3/2017. Ảnh: VGP
Hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn trở nên thường xuyên, liên tục đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp của nước ta. Thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long tính đến hết tháng 4/2016 là 9.020 tỷ đồng. Hạn hán và xâm nhập mặn còn khiến 475.000 hộ dân tại các khu vực trên bị thiếu nước sinh hoạt; 248.000 ha lúa, 129.000 ha cây công nghiệp, 50.000 ha cây ăn quả, 19.000 ha hoa màu, 5.000 ha thủy sản bị thiệt hại. Các tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất là Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bạc Liêu. BĐKH đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài nguyên đất, làm gia tăng hiện tượng xói mòn, rửa trôi, sạt lở bờ sông, bờ biển. Theo một thống kê được công bố, đến cuối năm 2016, lượng phù sa về đến ĐBSCL chỉ còn khoảng 85 triệu tấn, giảm gần một nửa so với trước năm 2009 (khoảng 160 triệu tấn).

Trong khi đó, chính sách quy hoạch, phân vùng, quản lý tại khu vực này vẫn thiếu gắn kết, đồng bộ do tác động của biến đổi khí hậu dần dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững làm sinh kế của người dân trở nên bấp bênh. Đây cũng là trăn trở của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều năm nay.

Ông từng chia sẻ nội dung trao đổi giữa ông với một giáo sư về thủy lợi, "ở ĐBSCL nếu với cách làm như hiện nay thì sẽ tốn kém ghê gớm. Bây giờ chủ trương của Thủ tướng là làm đường ven biển, nhưng cầu, cống có kết hợp với nhau được không hay là giữa cống và cầu khác nhau. Những vấn đề như vậy cần tính toán cụ thể, chứ không phải mạnh anh nào anh nấy làm trong khi nguồn lực còn nhiều hạn chế”.

Không dừng lại ở những chuyến thị sát thực tế trong nước, không chỉ chủ động lắng nghe các nhà khoa học, tháng 7 vừa qua, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm Hà Lan, quốc gia nổi tiếng thế giới về trị thủy, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã có những hành động sâu sát chỉ đạo các cấp ngành hành động ứng phó với những diễn biến của biến đổi khí hậu. Chuyến đi của người đứng đầu Chính phủ đặt ra mục đích rất rõ ràng là để tìm hiểu kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác với Hà Lan trong biến đổi khí hậu.

Trước những chỉ đạo rốt ráo của người đứng đầu Chính phủ ứng phó với sự khốc liệt của BĐKH, hội nghị năm nay sẽ do đích thân Thủ tướng chủ trì tại Cần Thơ vào ngày 26 và 27/9 và được nhìn nhận như “Hội nghị diên hồng” để bàn một cách căn cơ, chiến lược trong chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu với tầm nhìn đến năm 2100.

Dự báo khoảng 500 đại biểu trong nước và quốc tế sẽ tham dự. Bên cạnh phiên toàn thể, hội nghị sẽ có các phiên thảo luận chuyên đề lớn liên quan đến sinh kế của người dân, trong đó có cụm dân cư vượt lũ, quy hoạch tích hợp, phát triển hạ tầng và cơ chế điều phối vùng; chuyển đổi sinh kế bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai, chống sụt lún, sạt lở; nhu cầu phát triển và nguồn lực./.

Diệu An/Vietnamnet.vn 

Chia sẻ bài viết