Cải thiện tình hình tiêu thụ
Hợp tác xã (HTX) Sản xuất Dịch vụ Nông nghiệp Thuận Bình (xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) thu hoạch hơn 1.000 tấn chanh/đợt. Ngoài phân phối chanh tươi, HTX còn sản xuất hơn 50.000 lít rượu chanh đóng chai. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã làm biến động các mối hàng truyền thống khiến HTX chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm. Khi cung đường hàng hóa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì việc đưa chanh và sản phẩm chế biến từ chanh lên sàn TMĐT được xem là lối đi tốt nhất hiện nay mà ngành chức năng tỉnh hướng tới.
Hợp tác xã Sản xuất Dịch vụ Nông nghiệp Thuận Bình (huyện Thạnh Hóa) tích cực đưa sản phẩm rượu chanh lên các sàn thương mại điện tử
Giám đốc HTX Sản xuất Dịch vụ Nông nghiệp Thuận Bình - Bùi Văn Khắp cho rằng, việc đưa nông sản lên sàn TMĐT với các thành viên HTX không hề dễ dàng, nhất là với nông dân chỉ biết sản xuất chứ chưa biết về công nghệ. “Việc được tạo điều kiện để hàng hóa lên các sàn TMĐT là một tín hiệu vui cho HTX nhưng nhiều nông dân vẫn chưa tiếp cận được cách thức để đưa hình ảnh, clip,... về nông sản lên các sàn TMĐT hay các trang mạng xã hội do trình độ còn hạn chế. Do đó, thời gian qua, nhiều nông dân chưa mạnh dạn thực hiện” - ông Bùi Văn Khắp nói.
Thông tin từ Sở Công Thương, việc đưa nông sản lên sàn TMĐT được triển khai từ năm 2018 với các sàn: Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Postmart, Lazada theo nhiều hình thức khác nhau. Tính đến cuối tháng 10/2022, có 181 gian hàng đăng ký tham gia với 485 sản phẩm được trưng bày trên sàn TMĐT của tỉnh (htttp://tradelongan.com); 383 tổ chức, cá nhân với 5.959 sản phẩm đăng ký bán trên 2 sàn Postmart (https://postmart.vn) và Voso (https://voso.vn).
Quá trình triển khai cho thấy, nhiều doanh nghiệp, HTX và cơ sở kinh doanh chưa chủ động và chưa nhận thức đầy đủ đối với phương thức kinh doanh này. Để phù hợp với tình hình mới, các doanh nghiệp, HTX cần sớm thay đổi. Thông qua sàn TMĐT, nhiều sản phẩm chế biến từ nông sản như nước ép trái cây, thanh long sấy khô, chuối, gạo,... đã có đơn hàng từ nước ngoài. Riêng sản phẩm chế biến tươi: Lạp xưởng, nem nướng,... của các cơ sở nhỏ, lẻ cũng cải thiện được tình hình tiêu thụ.
Chủ cơ sở chế biến Lạp xưởng Kim Huệ (thị trấn Tầm vu, huyện Châu Thành) - Lê Kim Huệ cho biết: “Sau khi đưa lạp xưởng lên các sàn TMĐT, cơ sở nhận được nhiều đơn hàng, tuy nhiên, vì là mặt hàng tươi nên khó bảo quản để vận chuyển đi xa, không như những mặt hàng khô. Do đó, cơ sở tập trung bán cho các đơn hàng ở địa phương và những tỉnh lân cận”.
Để khắc phục những hạn chế trong vận hành, ngành Công Thương tỉnh tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ, hỗ trợ phát triển TMĐT. Trong đó, chuyên sâu về cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm, doanh nghiệp và cách thức chăm sóc khách hàng, dịch vụ sau bán hàng, quản lý chất lượng sản phẩm.
Để nông sản "vươn xa"
Giám đốc Công ty (Cty) TNHH Chế biến xuất, nhập khẩu nông sản Long Châu (huyện Châu Thành) - Nguyễn Ngọc Phan chia sẻ, những năm gần đây, Cty được ngành Công Thương tỉnh hỗ trợ, kết nối đưa sản phẩm thanh long sấy dẻo lên các sàn TMĐT để tiêu thụ. Thông qua sàn TMĐT, toàn bộ thông tin về nơi sản xuất, chứng nhận chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm,... đều đến được với khách hàng. “Song song với kênh bán hàng truyền thống, chúng tôi đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm và bán hàng trên các sàn TMĐT, mạng xã hội,... Hiện nay, dù đi du lịch hay ở bất cứ nơi đâu, tôi đều có thể theo dõi, chốt đơn hàng. Qua đó, giúp sản phẩm của Cty tiếp cận được nhiều khách hàng mới và doanh thu cũng tăng lên đáng kể” - anh Nguyễn Ngọc Phan chia sẻ thêm.
Sản phẩm thanh long sấy của Công ty TNHH Chế biến xuất, nhập khẩu nông sản Long Châu (huyện Châu Thành) trên sàn thương mại điện tử của tỉnh
Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ cho biết, thời gian tới, ngành Công Thương tiếp tục phối hợp các sàn TMĐT triển khai đóng hàng theo quy cách ngay tại địa phương và đưa lên sàn, sau đó điều phối sản phẩm đến trực tiếp người tiêu dùng. So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn TMĐT không những mở thêm cơ hội mới, giúp các hộ nông dân có thể giới thiệu nông sản đến người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá. Tuy nhiên, việc đưa nông sản lên các sàn TMĐT hiện nay cũng gặp không ít khó khăn bởi đây là phương thức tiêu thụ khá mới mẻ với nông dân.
“Ngành Công Thương tỉnh đang tập trung phối hợp các sở, ngành liên quan đưa thêm một số nông sản lên sàn TMĐT nhằm tạo thêm kênh phân phối bền vững cho các sản phẩm tiềm năng. Đồng thời, tiếp tục nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Cùng với tiếp cận sàn TMĐT trong nước, hiện gạo đã có mặt trên các sàn TMĐT quốc tế như Alibaba, Amazon,... Một số sản phẩm khác như chuối, chanh, gạo, thanh long cũng đang được xúc tiến đưa lên sàn để quảng bá sản phẩm của Long An ra thị trường nước ngoài” - bà Châu Thị Lệ cho biết thêm.
Các sản phẩm, nông sản của tỉnh được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng
Các sàn TMĐT thực sự là kênh phân phối nông sản hiệu quả và tiện ích cho nông dân, HTX, doanh nghiệp trong trong bối cảnh hiện nay. Nó không chỉ giúp nông dân có cơ hội xây dựng thương hiệu nông sản của riêng mình, từng bước chủ động bán nông sản lâu dài qua kênh trực tuyến TMĐT mà còn đưa nông sản của tỉnh đến người tiêu dùng trong cả nước một cách thuận tiện, nhanh chóng. Đây được kỳ vọng sẽ trở thành kênh chiến lược để phát triển thị trường nông sản, góp phần đưa nông sản an toàn và tiềm năng của tỉnh vươn xa ra thị trường thế giới./.
"Các sàn thương mại điện tử không chỉ giúp nông dân có cơ hội xây dựng thương hiệu nông sản của riêng mình, từng bước chủ động bán nông sản lâu dài qua kênh trực tuyến thương mại điện tử mà còn đưa nông sản của tỉnh đến người tiêu dùng trong cả nước một cách thuận tiện, nhanh chóng. Đây được kỳ vọng sẽ trở thành kênh chiến lược để phát triển thị trường nông sản, góp phần đưa nông sản an toàn và tiềm năng của tỉnh vươn xa ra thị trường thế giới." |
Minh Tuệ