Công tác phòng ngừa dịch bệnh sởi và rubella thời gian qua luôn được Việt Nam nói chung và Long An nói riêng quan tâm thực hiện. Thế nhưng, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, chương trình tiêm chủng trên toàn cầu cũng như của Việt Nam bị ảnh hưởng dẫn đến nhiều trẻ bị bỏ lỡ mũi tiêm, trong đó có vắc-xin phòng bệnh sởi và rubella.
Ngoài ra, việc di biến động dân cư, nhất là ở những khu, cụm công nghiệp và việc gián đoạn cung ứng các vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng trong những năm gần đây ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm các vắc-xin bao gồm vắc-xin phòng bệnh sởi và rubella.
Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi các vắc-xin trong những năm gần đây dẫn đến nguy cơ các bệnh phòng ngừa được bằng vắc-xin quay trở lại và có nguy cơ bùng phát dịch nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống, nhất là tiêm vắc-xin phòng bệnh.
Tiêm vắc-xin để phòng bệnh sởi cho trẻ
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Bác sĩ CKII Huỳnh Hữu Dũng, cho biết: “Theo kết quả đánh giá nguy cơ bệnh sởi tại 63 tỉnh, thành phố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Long An là 1 trong 7 tỉnh có nguy cơ bùng phát dịch bệnh sởi rất cao. Vì vậy, chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi cần được thực hiện khẩn trương, càng sớm, càng nhanh càng tốt, chủ yếu tập trung những trẻ chưa được tiêm vắc-xin đủ 2 mũi nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng, giảm tỷ lệ mắc, lây lan và tử vong do bệnh sởi”.
Theo kế hoạch, từ ngày 16 đến ngày 22/10/2024, tổ chức tiêm trong trường học và ngoài cộng đồng. Từ ngày 27 đến ngày 31/10/2024, tổ chức tiêm vét tại các trạm y tế. Trong đó, tiêm chủng ngoài cộng đồng và tiêm vét tại các trạm y tế được tổ chức vào ngày thứ bảy và chủ nhật để tạo điều kiện cho trẻ có cha, mẹ là công nhân có thể đưa con đi tiêm chủng.
Chiến dịch sẽ được triển khai tại 188 xã, phường, thị trấn của 15 huyện, thị xã, thành phố và các bệnh viện, trung tâm y tế trên toàn tỉnh được công bố đủ điều kiện tiêm chủng. Loại vắc-xin triển khai trong chiến dịch là vắc-xin phối hợp sởi - rubella do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin, sinh phẩm y tế sản xuất, lọ 10 liều, dạng đông khô kèm dung môi do WHO tài trợ. Long An được cung ứng 47.000 liều vắc-xin để triển khai chiến dịch.
Theo kế hoạch, từ ngày 16 đến ngày 22/10/2024, tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi trong trường học và ngoài cộng đồng. Từ ngày 27 đến ngày 31/10/2024, tổ chức tiêm vét tại các trạm y tế.
|
Qua rà soát, đến nay, có hơn 40.500 đối tượng chiến dịch gồm nhân viên y tế, trẻ từ 1-10 tuổi ngoài cộng đồng và trong trường học trên địa bàn tỉnh chưa được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin có thành phần sởi. Các địa phương vẫn tiếp tục bổ sung, cập nhật và báo cáo số đối tượng chiến dịch được rà soát nhằm bảo đảm không bỏ sót đối tượng trên địa bàn. Đối với những đối tượng không rõ, không nhớ tiền sử, không có bằng chứng thể hiện đã tiêm xem như “không tiêm” và phải được tiêm bổ sung 1 mũi vắc-xin phòng bệnh sởi trong chiến dịch này.
Công tác tập huấn được quan tâm thực hiện nhằm hướng dẫn về việc tổ chức điểm tiêm chủng, lập danh sách đối tượng, bảo quản, sử dụng vắc-xin, tiêm chủng an toàn, phòng, chống sốc, giám sát phản ứng sau tiêm chủng, thống kê báo cáo kết quả tiêm hàng ngày, tuần, kết thúc chiến dịch. Hoạt động truyền thông được chú trọng thực hiện qua các phương tiện truyền thông đại chúng, trên website của ngành Y tế. Từ đó, nhận thức của người dân được nâng cao.
Chị Nguyễn Ngọc Phượng (xã Bình Tâm, TP.Tân An) cho biết: “Ngoài vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, bổ sung các chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng, tôi quan tâm đưa các con đi tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch. Trong đợt chiến dịch này, con tôi cũng nằm trong danh sách được thống kê tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi”.
Hiện các trường tiểu học, mầm non, mẫu giáo tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh và học sinh về sự cần thiết tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi, phòng, chống dịch bùng phát trong trường học; phối hợp rà soát trẻ cần tiêm và gửi giấy mời cho phụ huynh học sinh thông báo thời gian, địa điểm tiêm chủng.
Trước khi diễn ra chiến dịch, ngành Y tế phối hợp ngành Giáo dục giám sát công tác chuẩn bị, triển khai tiêm chủng tại các trường học nhằm hỗ trợ cơ sở tiêm chủng thực hiện đúng các quy định của Bộ Y tế, bảo đảm chất lượng và an toàn tiêm chủng; đồng thời, giám sát về điều tra đối tượng, bố trí điểm tiêm chủng, nhân lực; tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vắc-xin.
Để tăng cường khả năng miễn dịch, bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc bệnh sởi và những biến chứng nguy hiểm do sởi gây ra, phụ huynh cần quan tâm đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng trong ngày diễn ra chiến dịch. Cùng với đó, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thường gặp như sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, tiêu chảy,... theo khuyến cáo của ngành Y tế./.
Ngọc Mận