Tiếng Việt | English

16/08/2024 - 08:53

Tiêm vắc-xin đầy đủ để phòng bệnh sởi

Trước thực trạng số ca mắc bệnh sởi và tử vong ở các tỉnh, thành phố ngày càng tăng, phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc phỏng vấn Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - bác sĩ (BS) Huỳnh Hữu Dũng về những giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh.

Tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu phòng tránh bệnh sởi

- PV: BS cho biết nguyên nhân nào dẫn đến mắc bệnh sởi?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Sởi là bệnh truyền nhiễm gây thành dịch, lây qua đường hô hấp, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Những người chưa có miễn dịch với bệnh sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, tiêm vắc-xin là cách phòng ngừa bệnh sởi hiệu quả.

Nguyên nhân chính dẫn đến mắc bệnh sởi là tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) giảm trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát.

Ngoài ra, việc gián đoạn cung ứng các vắc-xin trong Chương trình TCMR năm 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc-xin cho trẻ em trên toàn quốc. Ngay cả số lượng vắc-xin phòng bệnh sởi dịch vụ cũng hạn chế nên dẫn đến tình trạng nhiều trẻ chưa được tiêm ngừa theo lịch.

Trong khi đó, sởi là bệnh có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt sự lây truyền trong cộng đồng khi đạt được miễn dịch trên 95%.

- PV: Tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi ở trẻ trong Chương trình TCMR của tỉnh hiện nay là bao nhiêu, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến nay, tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi mũi 1 ở trẻ đạt 50,8% (10.786/21.216 trẻ). Theo kế hoạch, đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 21.216 trẻ sẽ được tiêm mũi 1.

Nếu tính số trẻ đủ 9 tháng để tiêm mũi 1 là 12.720 trẻ, đến nay tỉnh đạt 84,8% (10.786/12.720 trẻ). Như vậy, toàn tỉnh còn 1.934 trẻ đủ 9 tháng nhưng chưa tiêm mũi 1.

Đối với trẻ tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi mũi 2 hiện đạt 58,4 (10.453/17.904 trẻ). Theo kế hoạch đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 17.904 trẻ cần được tiêm.

Nếu tính trẻ đủ 18 tháng (10.957) thì tiêm mũi 2 đến nay là 95,4% (10.453/10.957 trẻ), tức còn khoảng 504 trẻ chưa tiêm mũi 2.

- PV: Ngành Y tế tỉnh có những giải pháp nào nhằm bảo đảm trẻ được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh sởi và đúng lịch, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Hiện tại, các trạm y tế cấp xã trong toàn tỉnh đều nhận đầy đủ số lượng vắc-xin trong Chương trình TCMR, trong đó có vắc-xin phòng bệnh sởi để tiêm mũi 1 và mũi 2 cho những trẻ đến độ tuổi được tiêm và cho cả những trẻ đã quá tháng tuổi được tiêm mũi 1 hoặc mũi 2.

Ngay từ đầu năm, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chỉ đạo các trung tâm y tế cấp huyện yêu cầu các trạm y tế tăng cường công tác truyền thông về lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi, lập danh sách những trẻ trễ lịch nhưng chưa được tiêm để mời tiêm. Đây là giải pháp nhằm bảo đảm tiêm bù, tiêm vét cho số trẻ chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi.

- PV: BS có lời khuyên nào cho các bậc phụ huynh trong phòng, chống bệnh sởi và các bệnh truyền nhiễm khác?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Trong trường hợp vì một lý do nào đó mà trẻ không thể tiêm đúng lịch như sức khỏe của trẻ tại thời điểm tiêm vắc-xin không bảo đảm, thiếu hụt vắc-xin không có lựa chọn thay thế nên bị trì hoãn tiêm,... thì cần tiếp tục tiêm cho trẻ sớm nhất để phòng bệnh.

Từ khi vắc-xin ra đời, chương trình tiêm chủng được mở rộng, một số bệnh truyền nhiễm không có thuốc đặc trị ít xuất hiện. Không ít người cho rằng, các bệnh đó đã biến mất và chúng ta không cần tiêm chủng nữa.

Tuy nhiên, đây là quan niệm không đúng. Đơn cử như dịch sởi năm 2013-2014 đã bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố tại Việt Nam hoặc như thời điểm này, tình hình dịch bệnh sởi, bạch hầu, ho gà đang được cảnh báo ở mức đáng lo ngại ở một số tỉnh, thành phố của nước ta.

Qua đó cho thấy, vắc-xin có vai trò lớn trong việc cắt giảm đáng kể tỷ lệ mắc một số bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng.

Nếu chúng ta lơ là cảnh giác và không tiêm vắc-xin thì nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là hoàn toàn có thể. Các bậc phụ huynh hãy chủ động đưa trẻ đến cơ sở y tế để tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh.

Ngoài ra, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng đúng cách, vệ sinh thân thể, vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi.

Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh sởi như sốt, phát ban và kèm theo ho hoặc chảy nước mũi cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời, phòng biến chứng nặng xảy ra.

- PV: Xin cảm ơn BS!./

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết