Vẻ vang gia đình cách mạng
Chị Thắm có bà ngoại là Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Tý; các cậu: Nguyễn Thành Long, Nguyễn Văn Dậu, Nguyễn Văn Vinh là liệt sĩ; các dì: Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Thị Thanh tham gia cách mạng, trong đó dì Nguyễn Thị Huệ được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba; cậu Nguyễn Văn Xiêu tham gia phục vụ cách mạng, hiện là thương binh. Có người thân không tiếc thân mình để chiến đấu, hy sinh bảo vệ đất nước trong thời chiến tranh, là con cháu trong gia đình, chị Thắm luôn tự hào về lòng yêu nước và tinh thần quả cảm đó. Chị và những người con, cháu của thế hệ sau luôn nhắc nhớ về truyền thống cách mạng của gia đình qua lời dạy của cha mẹ.
“Tôi lớn lên trong gia đình có 7 anh, chị, em tại vùng quê nghèo, còn nhiều gian khó. Đời sống khó khăn, gia đình đông anh, chị, em nhưng cha mẹ luôn tạo điều kiện cho chúng tôi ăn học đến nơi, đến chốn để có nghề nghiệp ổn định, trước tiên là lo cho bản thân, gia đình, sau là cống hiến cho quê hương, xã hội” - chị Thắm trải lòng.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Thắm
Được tạo điều kiện học tập và tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, các anh, chị, em trong gia đình chị Thắm nỗ lực vượt qua khó khăn, cố gắng vươn lên trong cuộc sống, nhất là trau dồi kiến thức để có công việc ổn định, phát triển kinh tế gia đình.
Chị Thắm kể: “Gia đình anh chị hai của tôi có 2 người con, trong đó người con lớn đang học thạc sĩ. Gia đình anh chị ba có 1 người con, hiện tốt nghiệp cao đẳng và có công việc ổn định. Anh chị tư và các em tôi đều là đảng viên, viên chức, trong đó có 1 người em gái là Nhà giáo Ưu tú và là nhà giáo tiêu biểu của tỉnh tham gia gặp mặt Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính vào năm 2022 nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11). Con của các anh, chị, em đều chăm ngoan, vâng lời cha mẹ, học giỏi, biết giúp đỡ mọi người và được giáo dục về truyền thống cách mạng của gia đình để luôn tự hào và sống xứng đáng với sự hy sinh quý giá đó”.
Với gia đình chị Thắm, việc giáo dục truyền thống cách mạng của gia đình đóng vai trò quan trọng để các con, cháu ghi nhớ công ơn của thế hệ trước, trong đó có người thân trong gia đình. Từ đó, mỗi người con, cháu sẽ khắc sâu ý thức trách nhiệm giữ gìn và tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình. Vào các dịp đám giỗ ngoại, các cậu, Tết Nguyên đán, các thành viên trong đại gia đình chị Thắm cùng ngồi lại, ôn truyền thống quý báu mà ông bà, các cậu đã “viết nên”, qua đó nhắc nhở, giáo dục con, cháu nhìn vào gương sáng của dòng họ để có động lực học tập, làm việc.
Chị Thắm chia sẻ: “Nhờ sự giáo dục về truyền thống cách mạng của gia đình, thế hệ con, cháu cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cơ quan, chăm lo gia đình, quan tâm giáo dục các con ra sức học tập để có cơ hội cống hiến trí tuệ cho sự phát triển của địa phương”.
Nỗ lực làm việc và xây dựng gia đình hạnh phúc
Là người con trong gia đình có truyền thống cách mạng, chị Thắm nỗ lực học tập từ nhỏ và chọn nghề giáo viên mầm non để cống hiến sức mình cho quê hương. Hiện chị Thắm là Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Thành (huyện Đức Huệ).
Chị Thắm cho biết: “Tôi ra trường năm 2004 và nhận nhiệm sở tại Trường Tiểu học Mỹ Bình (huyện Đức Huệ), phụ trách dạy lớp mẫu giáo trong 4 năm. Sau đó, tôi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Mỹ Bình. Năm 2017, tôi được điều động về làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Thành cho đến nay. Dù ở vị trí, đơn vị công tác nào, tôi luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là giúp trẻ phát triển 5 lĩnh vực: Nhận thức, thẩm mỹ, ngôn ngữ, tình cảm xã hội, thể chất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của đơn vị”.
Mỗi ngày, chị Thắm không chỉ làm việc nghiêm túc, sắp xếp, bố trí thời gian phù hợp, quản lý nhân sự theo đúng quy định mà còn tự học, tự rèn để ngày càng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Chị Thắm chú trọng việc học qua tham gia các đợt học tập, bồi dưỡng chuyên môn do ngành Giáo dục tổ chức và tự học thêm kiến thức mới liên quan qua Internet, sách, báo in, đồng nghiệp và những tư vấn của lãnh đạo. Nhờ những nỗ lực đó, trong hơn 16 năm làm công tác quản lý, chị và đơn vị luôn được xếp hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Không chỉ giỏi việc nước, chị Thắm còn đảm việc nhà. Chồng chị là bộ đội công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mộc Hóa. Anh công tác xa nhà nên chị luôn cố gắng chu toàn mọi việc trong gia đình và chăm lo tốt cho 2 con.
“Tôi hiểu và thông cảm cho tính chất công việc của chồng nên tạo điều kiện tốt nhất cho anh an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chồng tôi cũng vậy, luôn tin tưởng, quan tâm và chia sẻ với tôi. Đó cũng là bí quyết giúp chúng tôi gìn giữ gia đình hạnh phúc” - chị Thắm bộc bạch.
Dù chồng công tác xa nhà nhưng sợi dây gắn kết các thành viên vẫn luôn bền chặt. Mỗi ngày, anh, chị và 2 con trò chuyện, chia sẻ mọi chuyện để hiểu nhau hơn. Vào dịp cuối tuần, đầy đủ 4 thành viên, gia đình trân trọng những khoảnh khắc hạnh phúc bên nhau, nhất là qua các bữa cơm gia đình. Chị Thắm còn sắp xếp thời gian để các con gần gũi 2 bên gia đình nội, ngoại, qua đó gắn kết hơn với dòng họ, người thân.
Trong chăm sóc, giáo dục con, chị Thắm và chồng cố gắng rèn luyện cho các con thói quen học tập, biết vâng lời cha mẹ, nhất là hiểu cho công việc của cha khi phải công tác xa nhà, từ đó yêu thương và tự hào hơn về cha là Bộ đội Cụ Hồ như tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình.
Chị Thắm cho biết thêm: “Tôi luôn nhắc nhở, tạo điều kiện cho con học tập cũng như sắp xếp thời gian cho con nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý. Tôi chú trọng dạy con tính tự lập, nhất là tự dọn dẹp góc học tập gọn gàng, ngăn nắp. Tôi cũng thường xuyên cùng học với con để hỗ trợ khi có khó khăn, tuy nhiên không làm thay con mà gợi ý để con tự tìm ra câu trả lời”.
Tự hào tiếp nối truyền thống gia đình, chị Thắm và những anh, chị, em trong gia đình đã và đang tiếp tục giữ gìn, tiếp nối và trao truyền niềm tự hào đó cho thế hệ kế thừa./.
An Nhiên