Tiếng Việt | English

14/10/2016 - 15:36

Tìm đầu ra cho nông sản

Những năm trước đây, đa phần người dân trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm thường tự phát, chưa có mô hình chuyên canh và phương thức sản xuất khoa học nên năng suất thấp, chất lượng chưa đáp ứng, giá cả bấp bênh. Hiện tại, với sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành, việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến, từng bước giải quyết “bài toán đầu ra” cho nông sản.

Tập trung nâng cao chất lượng nông sản

Để sản phẩm có đầu ra ổn định thì trước hết, phải đạt yêu cầu về chất lượng. Nhiều năm qua, đa phần nhà nông sản xuất với quy mô nhỏ, lẻ, chưa tuân thủ quy trình sản xuất nông nghiệp tốt nên việc tìm đầu ra cho nông sản vô cùng khó khăn.

Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Thời gian qua, các sở, ngành tích cực hỗ trợ HTX kết nối DN để tạo đầu ra ổn định. Thế mạnh của HTX là 60ha thanh long chuẩn bị được công nhận đạt chuẩn VietGAP. Chúng tôi xác định, muốn “bơi” ra biển lớn thì cần phải bảo đảm chất lượng đầu ra, đáp ứng yêu cầu của những thị trường khắt khe như: Mỹ, Nhật, châu Âu,... Tuy nhiên, hiện tại, 90% sản phẩm được bán cho thị trường Trung Quốc và phải thông qua DN xuất khẩu. Trong đó, sản phẩm phải đạt yêu cầu thì mới được thanh toán tiền nên rủi ro sẽ bị “đẩy” lại cho HTX. Do đó, chúng tôi hy vọng có đủ khả năng tiếp cận, làm việc trực tiếp với đơn vị nhập khẩu mà không qua trung gian, bảo đảm lợi nhuận và hạn chế các nguy cơ bị “chèn ép”.
Giám đốc HTX Thanh long Long Trì
Lê Minh Chánh

Trước đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, quy trình này chưa có sự tập trung trên các nông sản hàng hóa chủ lực và phân tán tại các địa phương nên hiệu quả chưa rõ rệt. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X đề ra chương trình đột phá - “Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Từ năm 2016, ngành NN&PTNT triển khai xây dựng mô hình điểm về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 3 cây - 1 con (lúa, rau, thanh long và bò thịt).

Giám đốc Sở NN&PTNT - Lê Văn Hoàng thông tin: “Khi xây dựng mô hình điểm, ngành họp đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai ở các vụ cuối năm 2016 và nhân rộng ở các năm tiếp theo. Ngành tổ chức lại sản xuất, đưa nông dân vào tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) nhằm tăng khối lượng và chất lượng nông sản hàng hóa đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp (DN). Ngoài ra, ngành còn tập trung nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi, nhu cầu tiêu thụ của thị trường; rà soát lại quy hoạch các loại cây trồng, vật nuôi để điều chỉnh cho phù hợp, làm cơ sở phát triển sản xuất trên diện rộng”.

Bên cạnh Sở NN&PTNT, Hội Nông dân cũng là tổ chức góp phần tích cực trong việc hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất. Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh - Phạm Minh Hùng, để đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu, nông sản cần bảo đảm chất lượng và sản xuất tập trung, các THT, HTX cần được nâng chất. Vì thế, Hội Nông dân thực hiện dự án cùng đối tác nước ngoài với mục tiêu gắn chuỗi giá trị trong sản xuất của THT, HTX với thị trường. Trong đó, 3 đơn vị làm điểm là HTX Thanh long Long Trì (Châu Thành), trứng gà Ao Gòn (Cần Đước) và HTX Rau an toàn Phước Thịnh (Cần Giuộc).

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để đảm bảo chất lượng đầu ra cho sản phẩm.

Các lớp tập huấn, dạy nghề chú trọng vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh được tổ chức thường xuyên để nông dân bổ sung kiến thức, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm. Ngoài ra, Hội cũng hỗ trợ nông dân xây dựng dự án có thể vay vốn từ Ngân hàng NN&PTNT và các ngân hàng thương mại khác. Quỹ Hỗ trợ nông dân của toàn tỉnh hiện có khoảng 25 tỉ đồng. Nông dân có thể vay dưới dạng tín chấp nên có thể bảo tồn và phát triển nguồn vốn. Đây là nguồn vốn đầu tư cho những hộ có điều kiện về kỹ thuật, đất đai, biết làm ăn nhưng thiếu vốn sản xuất.

Xúc tiến thương mại - “chìa khóa” ổn định đầu ra

Sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại sẽ là “bước” kế tiếp để từng bước tiếp cận người tiêu dùng. Thời gian qua, Sở Công Thương tổ chức nhiều đợt kết nối cung - cầu giữa Long An và TP.HCM, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên và miền Bắc để các cá nhân sản xuất, kinh doanh có thể tìm kiếm đối tác, quảng bá, mở rộng thị trường nội địa và tham gia xuất khẩu. Đồng thời, nhiều cuộc họp giữa các DN với các hộ chăn nuôi có quy mô lớn cũng được triển khai để DN tìm được nguồn nguyên liệu đầu vào.

Ngoài ra, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ các DN và HTX xây dựng các mô hình nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. Trung tâm Xúc tiến thương mại cũng tăng cường giới thiệu các mặt hàng nông sản đặc thù của Long An tại các kỳ hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước.
Phó Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Xuân Hồng cho biết, để bảo đảm đầu ra ổn định, các địa phương có thế mạnh về mặt hàng nông sản cần sớm phối hợp các cơ quan chức năng xúc tiến thành lập các HTX để điều hành sản xuất và là pháp nhân để ký hợp đồng tiêu thụ. Qua đó, tình trạng các DN phải thu mua qua thương lái như hiện nay sẽ giảm dần. Trước mắt, có thể hình thành HTX từ 38 nhóm GAHP chăn nuôi ở địa phương.

Ngoài ra, các HTX cần quan tâm đến công tác marketing, chú trọng quy trình sản xuất sạch và an toàn, đủ điều kiện tham gia vào chuỗi sản xuất - cung ứng thực phẩm sạch; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn của các nhà nhập khẩu. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường xúc tiến, giới thiệu hàng hóa nông sản, tạo điều kiện cho các HTX, cơ sở sản xuất nông nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến tiêu thụ nông sản hàng hóa của tỉnh. Chính quyền, đoàn thể địa phương thường xuyên vận động người dân tham gia vào HTX để sản xuất hàng hóa tập trung theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh nhà.

Việc giải quyết “bài toán đầu ra” cho nông sản tuy khó nhưng có thể thực hiện nhờ sự phối hợp, chung tay của các cấp, các ngành với những giải pháp đồng bộ, trong đó có việc tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, tạo đầu ra ổn định cho nông sản./.

Từ năm 2012 đến nay, giữa Long An và TP.HCM có 67 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa DN và HTX như: HTX Rau an toàn Long Khê (cung ứng khoảng 600kg rau /ngày cho Siêu thị CitiMark, MaxiMark, Nhà hàng tiệc cưới Đông Phương, Trường Mẫu giáo Tân Bình,...), HTX Rau an toàn Phước Hòa (cung ứng 700-800kg rau /ngày cho Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn-TNHH Một thành viên (SATRA)); mỗi đêm, Long An cung ứng khoảng 50 tấn rau, dưa hấu, thanh long, khổ qua,..., 180 tấn thịt heo, 1,5 tấn thịt vịt và 15 tấn thủy-hải sản cho chợ đầu mối Bình Điền TP.HCM; Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ ký 200 hợp đồng bao tiêu chanh không hạt trên địa bàn tỉnh với khoảng 5.000 tấn/năm;...

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích