Tiếng Việt | English

04/05/2016 - 15:34

Sản xuất và tiêu thụ nông sản cần thắt chặt liên kết “5 nhà”

Long An là địa phương có điều kiện chăn nuôi, trồng trọt nhiều loại nông sản cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, 87% lượng nông sản hàng hóa được tiêu thụ qua thương lái, mất nhiều khâu trung gian. Đây là nguyên nhân làm cho nhiều mặt hàng nông sản tiêu thụ không ổn định và tình trạng “mất mùa được giá” luôn diễn ra. Theo Sở Công Thương Long An, để nông sản được tiêu thụ và phát triển bền vững, cần sự liên kết chặt chẽ giữa “5 nhà” cũng như chữ “tín”.


Chủ động liên kết để thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ nông sản

Tìm năng lớn về sản xuất nông sản

Giám đốc Sở Công Thương - Đặng Văn Lớp cho biết, Long An là địa phương có điều kiện phát triển nhiều loại nông sản hàng hóa cung cấp cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu như lúa gạo, thanh long, chanh, trứng gia cầm, thịt gia súc, gia cầm, mía, sữa bò,… Hiện nay, một số loại nông sản hàng hóa của tỉnh được xuất sang thị trường bình dân cũng như thị trường khó tính như: Trung Quốc, Malaysia, Mỹ, Châu Âu,… Trong tương lai, nếu sản xuất nông sản hàng hóa được chú trọng về cơ cấu giống, áp dụng tiến bộ khoa học và quy trình sản xuất sạch thì tiềm năng về mở rộng thị trường xuất khẩu rất lớn.

Theo thống kê, trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm, Long An sản xuất khoảng 2,8 triệu tấn lúa; 180.000 tấn rau, đậu; 158.000 tấn hoa quả (thanh long, chanh); 72.000 tấn thịt hơi; 160 triệu quả trứng gia cầm;… Ngoài ra, còn có các loại khác như mía, sữa bò tươi, thủy sản,… Hiện tại, một số loại nông sản của tỉnh chiếm được uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như quốc tế. Điển hình như năm 2015, lượng gạo xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 850.000 tấn, chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu trên toàn tỉnh; thanh long và chanh cũng là sản phẩm được cung ứng cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh rất tốt.

Hàng hóa nông sản của tỉnh được tiêu thụ thông qua: Hợp tác xã cung cấp cho doanh nghiệp, chợ đầu mối, người tiêu dùng trực tiếp và thương lái,... Tuy nhiên, theo Sở Công Thương thì kênh tiêu thụ chủ yếu hiện nay vẫn là thông qua hoạt động của hệ thống thương lái với số lượng khoảng 87%. Theo kênh tiêu thụ này, hàng hóa nông sản từ sản xuất đến tiêu dùng qua nhiều khâu trung gian, làm cho nhiều mặt hàng nông sản tiêu thụ không ổn định, dễ xảy ra tình trạng “được mùa mất giá”.


Trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm, Long An sản xuất khoảng 158.000 tấn hoa quả (thanh long, chanh)

Xây dựng mô hình phù hợp

Theo Sở Công Thương TP.HCM, mỗi năm, thành phố cần khoảng 660.000 tấn gạo, 85.000 tấn đường, 60.000 tấn dầu ăn, 216.000 tấn thịt heo, 130.000 tấn thịt gia cầm, 1 tỉ quả trứng gà, vịt, gần 1 triệu tấn rau, củ, quả, các loại, 132.000 tấn thủy hải sản,... Nơi đây còn là đầu mối tập trung để phân bổ nguồn hàng đi khắp nơi trên cả nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, nguồn hàng nông sản do TP.HCM tự cung ứng tương đối hạn chế, chỉ chiếm khoảng 20%; 80% còn lại chủ yếu có xuất xứ từ các địa phương lân cận. Long An là tỉnh tiếp giáp TP.HCM, hằng năm cung cấp số lượng lớn thịt heo, gà, vịt; trứng gà, vịt; rau, củ, quả, gạo,… cho thành phố.

Theo thông tin từ Sở Công Thương Long An, phần lớn trứng gà của tỉnh được cung cấp cho thị trường TP.HCM, trong đó Công ty TNHH Ba Huân chiếm phần lớn. Để có nguồn cung ổn định cho khách hàng, Công ty TNHH Ba Huân ký hợp đồng thu mua trứng trên địa bàn các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành. Theo đó, trong năm 2013 và 2014, công ty này thu mua 33 triệu trứng gà mỗi năm; từ năm 2015 đến nay, công ty thu mua khoảng 130.000 trứng/ngày.

Nếu như Công ty Ba Huân chọn nguồn cung trứng thì Công ty TNHH San Hà lại tin chọn sản phẩm thịt gà, vịt của Long An. Bà Phạm Thị Ngọc Hà - Giám đốc Công ty cho biết, sản phẩm thịt gà ta được nuôi trên địa bàn tỉnh Long An tạo được sự hài lòng của khách hàng. Vì vậy, công ty ký hợp đồng với Hợp tác xã (HTX) Kim Kê Phát, xã Phước Hậu, Cần Giuộc cung cấp hàng tháng khoảng 100.000 con gà thịt. Ngoài ra, vịt trời được nuôi tại Cần Giuộc cũng được công ty đặt hàng, hướng đến tiêu thụ lâu dài.

Ngoài ra, Long An còn nhiều hình thức liên kết chăn nuôi và tiêu thụ đầu ra sản phẩm giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp tiêu thụ như heo, vịt, rau, củ, quả,… nhưng chưa chiếm số lượng lớn. Hình thức hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ này chưa trở thành thói quen của người sản xuất và doanh nghiệp. Đó là nhận định của Sở Công Thương tỉnh.


Chủ động liên kết để thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ nông sản

Những giải pháp phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ

Trung tâm điều phối chợ Bình Điền (TP.HCM) cho biết, hàng đêm, chợ tiếp nhận khoảng 2.400 tấn hàng hóa nông sản, thực phẩm với giá trị giao dịch từ 100 tỉ đến 110 tỉ đồng. Trong đó, thương nhân khu vực tỉnh Long An và người nuôi, trồng trực tiếp đưa hàng hóa vào chợ với số lượng rất đáng kể với khoảng 180 tấn thịt heo/đêm; 1,5 tấn vịt nguyên con/đêm; 6 tấn tôm sú sống/đêm; 6 tấn ếch/đêm; 3 tấn cá lóc bông/đêm; 50 tấn rau, củ, quả/đêm,… Tổng giá trị hàng hóa từ Long An nhập vào chợ Bình Điền hiện nay khoảng 12 tỉ đồng/ngày đêm, chiếm trên 10% tổng giá trị hàng hóa nhập vào chợ.

Ông Nguyễn Văn Hoàng - đại diện Trung tâm điều phối chợ Bình Điền cho rằng, với vị trí chiến lược là cửa ngõ của TP.HCM và tiềm năng trong nuôi trồng nông sản, hàng hóa của Long An là rất lớn. Vì vậy, Long An có khả năng để xúc tiến liên kết hợp tác, đưa sản phẩm về chợ Bình Điền nhiều hơn nữa. Ban quản lý chợ sẽ tạo mọi điều kiện để thúc đẩy quá trình liên kết. Thị trường TP.HCM là thị trường khó tính, ngoài yếu tố giá cả, chất lượng, mẫu mã thì cần phải hội đủ các yếu tố khác như: Đạt chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm, có đầu mối trong bảo đảm nguồn hàng cung ứng ổn định ra thị trường, bảo đảm về năng lực tài chính, có thương hiệu,…

Ông Đặng Văn Lớp cho rằng, tuy các mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ hiện nay chưa nhiều nhưng thông qua mối liên kết này, vai trò và lợi ích các bên được nâng lên. Nông dân có điều kiện tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới và tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, ổn định đầu ra và yên tâm sản xuất. Doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định, chủ động trong chế biến và tiêu thụ nông sản. Nhà nước, nhà khoa học nâng cao vai trò quản lý, chuyển giao khoa học - kỹ thuật - công nghệ, đưa sản xuất nông nghiệp đạt trình độ cao hơn, đồng thời, kiểm nghiệm kết quả trong nghiên cứu, quản lý và thực hiện các chính sách.

Để nâng cao và thúc đẩy, nhân rộng quá trình liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản, hàng hóa, cần tập trung xây dựng các mối liên kết giữa 5 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng). Trong đó, nhà nông và doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong liên kết; nhà khoa học chủ động định hướng liên kết với doanh nghiệp, với các thành phần kinh tế, hợp tác nghiên cứu về cây – con đạt năng suất, chất lượng và truyền đạt kiến thức nuôi trồng. Riêng cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho các bên liên quan thực hiện liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản. Ngân hàng cũng là 1 trong 5 nhà, đứng ra hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đầu tư hệ thống chế biến nông sản… ./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết