Tiếng Việt | English

14/01/2024 - 14:04

Tổ chức tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dịch tả heo Châu Phi

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, để chỉ đạo về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn (heo) Châu Phi, trong đó có tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh

Tiêm vắc-xin giúp phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi hiệu quả. Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, cả nước xuất hiện trên 530 ổ dịch bệnh Dịch tả heo Châu Phi (DTHCP), buộc tiêu hủy trên 20.000 con heo tại 44 tỉnh, thành phố, nhất là tại các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Quảng Bình, Đắk Lắk,.. . Dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng từ tháng 8/2023  trở lại đây tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là tại các địa phương có tổng đàn lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi heo và bảo đảm nguồn cung thực phẩm.

Trên địa bàn tỉnh Long An, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh DTHCP xảy ra tại 27 hộ thuộc 21 xã, 8 huyện/thành phố: Tân Hưng, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Cần Đước, Châu Thành, Bến Lức, Tân Thạnh, TP.Tân An. Ngành chức năng đã tiêu hủy 716 con heo với tổng trọng lượng là 37.297kg…

Trước tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Long An, để chủ động phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh DTHCP kịp thời, hiệu quả và bảo đảm nguồn cung thịt heo trong thời gian tới, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, UBND tỉnh ban hành văn bản số 353/UBND-KTTC, ngày 11/01/2024, về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn (heo) Châu Phi trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quyết liệt phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Để phòng bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai kế hoạch tiêm phòng vắc-xin NAVET-ASFVAC và giám sát chất lượng vắc-xin trong công tác phòng bệnh DTHCP.

Mục tiêu của kế hoạch là tổ chức tiêm phòng có giám sát sử dụng vắc-xin DTHCP NAVET- ASFVAC của Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Trung ương Navetco (Công ty Navetco) nhằm bảo đảm vắc-xin phòng bệnh DTHCP an toàn, hiệu quả trong điều kiện chăn nuôi, góp phần tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc DTHCP.

Theo kế hoạch này, ngành và các địa phương tổ chức tuyên truyền cho hộ chăn nuôi trên toàn tỉnh thực hiện đăng ký tiêm phòng có giám sát sau tiêm phòng vắc-xin NAVET-ASFVAC.

Sử dụng loại vắc-xin sống, nhược độc đông khô, sản xuất dùng chủng vi rút DTHCP nhược độc kí hiệu: ASFV-G-Delta-I177L. Vắc xin an toàn có khả năng tạo miễn dịch tốt chống vi rút DTHCP gây bệnh thuộc genotype II. Quy cách 25 liều/lọ, của Công ty Navetco.

Đối tượng tiêm phòng là heo thịt từ 8 - 10 tuần tuổi, heo khỏe mạnh, không có dấu hiệu mắc bệnh DTHCP.

Trong thời gian thực hiện tiêm phòng có sự theo dõi, giám sát của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, Công ty Navetco.

Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, Thú y xã hướng dẫn, phối hợp chủ cơ sở chăn nuôi hàng ngày theo dõi, giám sát, ghi chép thông tin về tình trạng sức khỏe đàn heo sau tiêm phòng.

Kinh phí thực hiện tiêm phòng vắc-xin từ nguồn kinh phí của Cty Cổ phần Thuốc Thú y Trung ương Navetco hỗ trợ gồm: Chi phí triển khai tiêm phòng, theo dõi, giám sát; nguồn kinh phí từ các hộ, trang trại chăn nuôi.

Nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh/trung ương sẽ hỗ trợ thuốc sát trùng đối với những hộ phối hợp thực hiện tiêm phòng./.

Tấn Lộc

Chia sẻ bài viết