Tiếng Việt | English

13/09/2021 - 12:10

Phòng, chống dịch tả heo châu Phi

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP), ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tập trung triển khai các biện pháp nhằm khống chế, ngăn chặn dịch bệnh.

Nguy cơ tái bùng phát cao

Từ đầu năm 2021 đến nay, DTHCP xảy ra tại 22 hộ thuộc 12 xã và 2 thị trấn ở 8 địa phương: Tân Hưng, Thủ Thừa, Tân Trụ, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Vĩnh Hưng và TP.Tân An (tỉnh Long An) với tổng số heo tiêu hủy 472 con. Trước nguy cơ tái bùng phát DTHCP, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai các giải pháp phòng, chống dịch.

Anh Đinh Văn Thọ (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Hiện nay, tình hình DTHCP có dấu hiệu quay trở lại, người chăn nuôi rất lo lắng. Nhằm chủ động bảo vệ đàn heo của gia đình, tôi đã tiêm đầy đủ các loại vắc-xin cho heo và sử dụng các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi; thường xuyên vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực chuồng trại 2 ngày/lần”.

Dịch tả heo châu Phi có nguy cơ tái bùng phát cao

Hiện toàn huyện Vĩnh Hưng có khoảng 8.400 con trâu, bò; trên 6.400 con heo và trên 320.000 con gia cầm. Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện đã kiểm dịch động vật được 9.649 con gia súc và 19.200 con gia cầm; tiêm vắc-xin dại trên chó, mèo được 1.000 liều; phun 189 lít hóa chất tiêu độc, khử trùng tại 1.520 hộ chăn nuôi.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Lê Quốc Bổn cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện cơ bản được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, khoảng nửa tháng nay, DTHCP xuất hiện trở lại tại một hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Thái Bình Trung với 30 con heo bị bệnh. Ngay sau khi nhận được thông báo, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp UBND xã Thái Bình Trung tiêu hủy số heo chết theo quy định.

Bên cạnh đó, UBND xã chủ động trích kinh phí mua vật tư, hóa chất, phun tiêu độc, khử trùng các địa điểm xảy ra dịch bệnh, khu vực trọng điểm và các trục đường chính trên địa bàn. Ngoài ra, UBND xã còn hướng dẫn các hộ dân gần kề gia đình có heo bị DTHCP chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch bệnh, cách ly và bảo vệ đàn vật nuôi.

“DTHCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virút gây ra trên heo. Bệnh không chỉ lây trực tiếp từ heo mắc bệnh sang heo khỏe mạnh mà có thể lây lan gián tiếp thông qua thức ăn thừa dùng để chăn nuôi, phương tiện, dụng cụ chăn nuôi, ký chủ trung gian quá đa dạng (ve, chuột, ruồi,...). Để ngăn chặn DTHCP lây lan ra diện rộng, ngành Nông nghiệp huyện tăng cường hướng dẫn các chủ lò mổ, hộ gia đình kinh doanh buôn bán thịt heo trên địa bàn không tiêu thụ các sản phẩm không rõ nguồn gốc và thịt heo từ các vùng khác về; cấm vận chuyển heo ra khỏi vùng dịch và đưa thịt heo chưa kiểm dịch từ ngoài vào địa bàn” - ông Bổn cho biết thêm.

Tăng cường các biện pháp phòng, chống

Do ảnh hưởng của DTHCP những năm trước nên tổng đàn heo toàn tỉnh đã giảm nhiều và đang trong giai đoạn phục hồi. Để bảo đảm cho việc tái đàn, ngành Nông nghiệp chỉ đạo các trang trại giống phải có biện pháp bảo vệ các đàn heo nái và tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học vào chăn nuôi nhằm tăng sức đề kháng cho đàn heo con.

Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh - Lê Tấn Tài cho biết: “Công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được Trung tâm thực hiện thường xuyên. Cùng với đó, Trung tâm cũng áp dụng phương pháp chăn nuôi sinh học bằng nguồn thức ăn hữu cơ, thực hiện nghiêm ngặt việc vệ sinh chuồng trại. Đến thời điểm này, đàn heo của Trung tâm vẫn khỏe mạnh, bảo đảm an toàn dịch bệnh và sẵn sàng cung cấp giống cho người chăn nuôi muốn tái đàn”.

Đào hố tiêu hủy heo nhiễm bệnh theo quy định

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Lê Thị Mai Khanh cho biết, trước tình hình DTHCP đang xuất hiện trở lại ở nhiều địa phương, ảnh hưởng đến việc chăn nuôi của người dân, Chi cục đã phối hợp chính quyền các huyện tập trung khống chế dịch, khoanh vùng phun hóa chất vệ sinh môi trường; đồng thời, tăng cường ngăn chặn các hình thức vận chuyển, buôn bán gia súc ở những địa phương có dịch.

Để góp phần giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do DTHCP gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều văn bản chỉ đạo ngành Nông nghiệp, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thực hiện giám sát, xử lý, báo cáo ổ dịch kịp thời, đúng quy định; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không khai báo, bán chạy heo bệnh hoặc vứt xác heo chết ra môi trường.

Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo, sản phẩm heo ra vào địa bàn, đặc biệt là các ổ dịch và vùng nguy cơ cao dịch bệnh bùng phát; quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở giết mổ trên địa bàn, chỉ cho phép giết mổ heo tại cơ sở đạt yêu cầu và heo đã được xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTHCP. Đối với các địa phương chưa xảy ra dịch bệnh, tăng cường tuyên truyền sâu, rộng đến người dân về tính chất nguy hiểm, dấu hiệu nhận biết và các biện pháp phòng, chống DTHCP; hướng dẫn người chăn nuôi tăng đàn, tái đàn heo bảo đảm an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh.

“Để dịch bệnh không lây lan ra diện rộng, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh khuyến cáo các địa phương, người chăn nuôi không được chủ quan, lơ là; cần tiếp tục thực hiện các biện pháp khống chế dịch theo các chỉ đạo của tỉnh và hướng dẫn của ngành chuyên môn; tăng cường công tác tuyên truyền liên tục cho người dân tự giác thực hiện các giải pháp phòng, chống; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi thường xuyên; giám sát việc kinh doanh, buôn bán, vận chuyển gia súc” - bà Khanh cho biết thêm./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết