Sáng 7/10, Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An tổ chức hội thảo tổng kết “Dự án nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP năm 2014-2016”.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia - Kim Văn Tiêu chủ trì hội thảo
Tham dự hội thảo có lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, Sóc Trăng cùng đại diện nông dân tiêu biểu trong nghề nuôi tôm, các chuyên gia, doanh nghiệp của các tỉnh, thành thuộc miền Trung và miền Tây Nam bộ.
Hội thảo nhằm mục đích trao đổi kinh nghiệm của nông dân với doanh nghiệp, các nhà khoa học về tình hình phát triển con tôm trong những năm qua, định hướng phát triển của con tôm. Đồng thời, hội thảo cũng nắm lại hiệu quả của nuôi tôm VietGAP trong những năm gần đây.
Trong 3 năm triển khai, mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP được thực hiện 30 mô hình với 64 ha với 139 hộ tham gia tại 49 xã thuộc 16 tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh.
Đối với mô hình tôm thẻ chân trắng VietGAP 100% mô hình được chọn đảm bảo có ao chứa, ao lắng, ao xử lý và công trình phù trợ kèm theo. Đối với mô hình nuôi tôm sú theo VietGAP có hệ thống đảm bảo cấp thoát riêng, nhưng thường nằm trong vùng nuôi hệ thống kênh mương, thủy lợi chưa đảm bảo cho phát triển nông thủy sản. Vì vậy, phần nào gây khó khăn cho quản lý môi trường và ứng phó với tình hình dịch bệnh thường xuyên xảy ra.
Đại biểu đóng góp ý kiến
Qua hội thảo, các chuyên gia cũng nhận định áp dụng quy trình VietGAP vào nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng mang lại hiệu quả cao, hạn chế được tình hình dịch bệnh, tạo sản phẩm sạch, an toàn phục vụ được thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời con tôm chứng nhận VietGAP nông dân được bán giá cao hơn bình thường.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia – Kim Văn Tiêu cũng đưa ra một số kiến nghị để trong thời gian tới nông dân nuôi tôm được hiệu quả: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp kinh phí xây dựng mô hình nuôi tôm VietGAP; Tổng Cục thủy sản cần giảm bớt một số tiêu chí trong nuôi tôm VietGAP mà vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm; Trung tâm Khuyến nông các tỉnh cần thực hiện tốt mô hình này và nhân rộng trên địa bàn, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; Nông dân nuôi tôm cần liên kết thành tổ hợp tác, hợp tác xã, không nên nuôi manh múng, nhỏ lẻ và nuôi phải đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường,…
Lê Huỳnh