Long An: Người nuôi tôm còn gặp khó
Việc tạo dựng, quản lý, vận hành, sử dụng ao lắng, khu lắng nước đúng kỹ thuật để xử lý nước cho an toàn, ổn định các yếu tố môi trường nước trước khi đưa vào ao nuôi tôm là giải pháp mang lại nhiều kết quả tốt.
Nông dân mong muốn được hỗ trợ xây dựng ao lắng để nuôi tôm đạt hiệu quả hơn
Ao lắng - giải pháp hiệu quả
Hiện nay, diện tích nuôi tôm toàn tỉnh là 3.855,4ha, so với kế hoạch năm 2016 là 7.000ha, tập trung chủ yếu ở các huyện vùng hạ: Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Tân Trụ. Nhiều năm qua, nghề nuôi tôm mang lại hiệu quả rất cao cho người dân. Tuy nhiên, do chưa nắm vững kỹ thuật nên thời gian qua đã xảy ra tình trạng dịch bệnh, gây thiệt hại cho người nuôi. Một trong những nguyên nhân là do người nuôi dẫn nước trực tiếp từ sông, rạch vào, không qua hệ thống ao lắng để xử lý mầm bệnh trước khi cung cấp cho ao nuôi chính. Vì vậy, việc xây dựng ao lắng trong nuôi tôm là giải pháp vô cùng quan trọng, giúp người nuôi đạt hiệu quả cao.
Theo ông Dương Văn Tuấn An, ngụ xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi tôm và sử dụng ao lắng: “Thật ra, ao lắng hay khu lắng nước không chiếm diện tích mặt nước là bao, chỉ cần một phần đất 10-15% trên tổng diện tích của khu đất hiện có. Việc giảm diện tích này sẽ được thu lại bằng cái lợi khác: Có thể tăng mật độ con/m2 và có được nguồn nước cấp bù tốt, an toàn hơn. Ao lắng còn có các loại vi khuẩn có lợi, rong tảo, các cá thể tự nhiên giúp lắng tụ các chất ô nhiễm độc hại lơ lửng hay hòa tan trong nước, để bảo đảm khi cấp nước vào ao nuôi được ổn định, an toàn, ngăn ngừa các loại dịch bệnh nguy hiểm. Mỗi chu kỳ lắng chỉ cần trên 20 ngày, nếu ao lắng không bị rò rỉ hay thẩm thấu các nguồn nước ô nhiễm từ bên ngoài vào thì nguồn nước lắng đó khá an toàn, sẵn sàng cho cấp bù vào ao nuôi”.
Ao lắng hay khu lắng nước không chiếm diện tích mặt nước là bao, chỉ cần một phần đất 10-15% trên tổng diện tích của khu đất nuôi tôm hiện có
Còn ông Nguyễn Văn Tân, ngụ xã Tân Chánh, huyện Cần Đước chia sẻ: “Môi trường nuôi trong lành, con giống tốt, đạt chuẩn và sạch bệnh, kỹ thuật nuôi phù hợp sẽ bảo đảm cho vụ nuôi thành công, đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, nếu con giống có tốt mà môi trường nuôi không tốt hay kỹ thuật nuôi không phù hợp, do khâu chăm sóc, cho ăn tạo ra những nguy cơ ô nhiễm thì dịch bệnh trên tôm cũng sẽ xảy ra. Vì vậy, ao lắng rất cần thiết để người nuôi tôm có được môi trường nuôi tốt, bảo đảm cho vụ tôm đạt kết quả như mong muốn”.
Chính sách hỗ trợ
Để hỗ trợ người dân nuôi tôm đạt hiệu quả cao hơn, tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ mô hình đầu tư xây dựng ao lắng trong nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn số 2413/SNN-CCTS, ngày 2/8/2016 về việc đăng ký kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ mô hình đầu tư xây dựng ao lắng trong nuôi tôm nước lợ năm 2016 (tổng kinh phí địa phương đăng ký 790 triệu đồng, trong đó: Cần Đước 100 triệu đồng, Cần Giuộc 200 triệu đồng, Châu Thành 350 triệu đồng, Tân Trụ 140 triệu đồng). Đối tượng áp dụng là tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm nước lợ đầu tư xây dựng ao lắng phục vụ nuôi tôm nước lợ trên phạm vi địa bàn các huyện theo quy định.
Phải tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã thì người nuôi tôm sẽ hưởng được chính sách hỗ trợ mô hình đầu tư xây dựng ao lắng trong nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh
Tuy nhiên, rất nhiều người dân quan tâm vấn đề này và cũng muốn đăng ký nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn như: Nông dân chưa hiểu biết nhiều về thủ tục, người nuôi không tham gia tổ hợp tác, chủ yếu nuôi nhỏ lẻ, trong quá trình cải tạo lại ao nuôi, người dân cũng rất khó lấy được hóa đơn giá trị gia tăng để đủ điều kiện đăng ký làm thủ tục,...”.
Còn nhiều khó khăn
Hiện nay, số hộ nuôi tôm tham gia đăng ký chính sách hỗ trợ mô hình đầu tư xây dựng ao lắng còn hạn chế và nông dân cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đăng ký như chưa hiểu biết nhiều về thủ tục, người nuôi không tham gia tổ hợp tác, chủ yếu nuôi nhỏ lẻ, trong quá trình cải tạo lại ao nuôi, người dân cũng rất khó lấy được hóa đơn giá trị gia tăng để đủ điều kiện đăng ký làm thủ tục,....
Ông Đỗ Văn Đo, ngụ xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 ao nuôi tôm với diện tích trên 1ha. Tôi là thành viên của tổ hợp tác nuôi tôm ấp Bình Thạnh, xã Nhựt Ninh. Chúng tôi đã đăng ký để được hưởng chính sách hỗ trợ ao lắng trong nuôi tôm. Tuy nhiên, khó khăn nhất ở đây là vấn đề lấy hóa đơn giá trị gia tăng khi thanh toán tiền chi phí khi sửa chữa hay làm ao lắng mới, để bổ sung hồ sơ đăng ký. Vì từ trước đến nay, nông dân chúng tôi cứ thuê người làm xong rồi trả tiền, không biết hóa đơn giá trị gia tăng là gì? Vì vậy thời gian tới, rất mong các ngành chức năng hỗ trợ, hướng dẫn người dân đăng ký để chúng tôi được hỗ trợ và nuôi tôm hiệu quả”.
Số hộ nuôi tôm tham gia đăng ký chính sách hỗ trợ mô hình đầu tư xây dựng ao lắng còn hạn chế
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Cẩm Vân cho biết: “Hàng năm, chỉ tiêu đặt ra với diện tích nuôi tôm trên địa bàn huyện từ 2.000-2.300ha. Năm 2016, huyện đề ra chỉ tiêu diện tích nuôi tôm 2.000ha, đến thời điểm này, diện tích nuôi khoảng 1.400ha. Hiện người dân nuôi tôm trên địa bàn huyện rất muốn được hỗ trợ xây dựng ao lắng nhưng chưa đủ điều kiện. Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã giúp nông dân đủ điều kiện đăng ký tham gia”.
Tính đến tháng 8/2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chưa tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ của UBND các huyện. Tuy nhiên, qua theo dõi, nắm tình hình tiếp nhận hồ sơ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông tại các huyện, Tân Trụ: UBND xã Nhựt Ninh tiếp nhận và hướng dẫn 3 hồ sơ đề nghị hỗ trợ, tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ khoảng 140 triệu đồng; UBND xã Đức Tân đang hướng dẫn 1 hồ sơ đề nghị hỗ trợ; Cần Giuộc tiếp nhận 4 hồ sơ đề nghị hỗ trợ của UBND các xã: Đông Thạnh, Phước Lại, Phước Vĩnh Tây, địa phương đang thẩm định hồ sơ. Ngoài ra, UBND xã Phước Vĩnh Tây đang hướng dẫn 2 tổ hợp tác hoàn chỉnh hồ sơ, UBND xã Phước Vĩnh Đông đang hướng dẫn 2 tổ hợp tác hoàn chỉnh hồ sơ; Châu Thành đang hướng dẫn 1 tổ hợp tác tại xã Thuận Mỹ hoàn chỉnh hồ sơ; Cần Đước chưa có hồ sơ đề nghị hỗ trợ đầu tư xây dựng ao lắng của các xã.
Tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã người nuôi tôm được lợi rất lớn từ đầu vào đến đầu ra con tôm
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản - Tạ Văn Nguyễn Hoàng, hiện nay, khó khăn chủ yếu là thiếu hóa đơn giá trị gia tăng trong việc bổ sung hồ sơ đề nghị hỗ trợ (tổ hợp tác khi mua hàng hóa chưa lựa chọn cơ sở bán hàng có xuất hóa đơn giá trị gia tăng hoặc khi tổ hợp tác có nhu cầu mua hóa đơn giá trị gia tăng thì không biết mua ở đâu). Đối với các tổ hợp tác, người nuôi tôm chưa lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ: Đa số các hộ nuôi có tập quán nuôi nhỏ lẻ, diện tích nuôi dưới 3.000m2, không liên kết với hộ nuôi khác; tổ hợp tác chủ yếu liên kết với nhau để mua con giống, thức ăn nhằm giảm giá thành (được giảm giá khi mua số lượng nhiều), trao đổi kỹ thuật nuôi, các thành viên đều có ao lắng riêng và không sử dụng ao lắng chung.
“Ao lắng, khu lắng xử lý nước rất quan trọng và cần thiết, bảo đảm cho nuôi thủy sản, nhất là con tôm được an toàn, thành công sau mỗi vụ nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế. Hiện nay, rất nhiều người dân quan tâm vấn đề này và cũng rất muốn đăng ký nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn như: Nông dân chưa hiểu biết nhiều về thủ tục, người nuôi không tham gia tổ hợp tác, chủ yếu nuôi nhỏ lẻ, trong quá trình cải tạo lại ao nuôi, người dân cũng rất khó lấy được hóa đơn giá trị gia tăng để đủ điều kiện đăng ký làm thủ tục,...”. Ông Nguyễn Văn Thuận - nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ |
Đối với địa phương: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa quan tâm tuyên truyền chính sách tại các tổ hợp tác trên địa bàn các xã có quy hoạch nuôi tôm mà chủ yếu tập trung triển khai tại một xã làm thí điểm để rút kinh nghiệm; UBND xã chưa tuyên truyền, triển khai chính sách đến các tổ hợp tác mà giao khuyến nông viên hướng dẫn và thực hiện.
Thời gian tới, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, triển khai thực hiện chính sách, xem đây là nhiệm vụ chính trong chỉ đạo sản xuất nuôi tôm nước lợ của địa phương; vận động, khuyến khích người nuôi tôm nước lợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã và hoạt động định kỳ theo quy chế đề ra; thường xuyên theo dõi, hỗ trợ và hướng dẫn tổ hợp tác hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định./.
Lê Huỳnh
- Đại lý TOPACQUY - Cửa hàng ắc quy Rocket tại Hà Nội uy tín (22/01)
- Nam Ngư chung tay quảng bá đặc sản tỏi Lý Sơn (22/01)
- Tăng cường hợp tác, phát triển ngành Công Thương (22/01)
- Làm sao để lựa chọn vật liệu nội thất vừa bền, vừa thẩm mỹ? (22/01)
- Giá vàng hôm nay 22/1: Vàng miếng SJC tăng thêm nửa triệu đồng mỗi lượng (22/01)
- Việt Nam mất vị trí dẫn đầu xuất khẩu gạo vào Singapore (22/01)
- Giá heo hơi có thể tăng lên 70.000 đồng/kg trong dịp Tết (21/01)
- Dịch vụ diệt côn trùng tại Hà Nội chuyên nghiệp giá rẻ (21/01)