Phát triển nông nghiệp ven đô trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao là hướng đi bền vững của người dân TP.Tân An
Phường 7 là một trong những địa phương đi đầu trong trồng rau thủy canh theo quy trình sản xuất nông nghiệp sạch. Nhiều ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) đã được đưa vào vận hành, hoạt động hiệu quả như hệ thống tự động hóa trong trồng, chăm sóc thay cho cách làm truyền thống trước đây của nông dân. Trong đó, vườn rau thủy canh hồi lưu của ông Trương Văn Phích được đầu tư cách nay 5 năm với hệ thống nhà lưới đúng chuẩn.
Hệ thống này có ưu điểm che chắn, ngăn ngừa côn trùng thâm nhập. Từ đó, việc trồng rau sẽ không cần sử dụng thuốc hóa học, thuốc trừ sâu cũng như có thể trồng được rau trong mùa mưa mà chất lượng vẫn bảo đảm. Rau được trồng trong nhà lưới kín kết hợp với tưới nhỏ giọt và hệ thống dinh dưỡng tuần hoàn đến tận rễ cây giúp rau sinh trưởng, phát triển tốt. Vì vậy, rau được thu hoạch bảo đảm chất dinh dưỡng, an toàn theo tiêu chuẩn rau sạch.
Ông Phích chia sẻ: “Trong xu thế phát triển như hiện nay, người tiêu dùng luôn chú trọng đến các sản phẩm sạch. Đây cũng là điều mà gia đình tôi luôn đặt mục tiêu cho các sản phẩm nông nghiệp. Tôi trồng theo hướng sạch hoàn toàn. Bước đầu làm cũng có vất vả nhưng lâu dần mình học tập, có thêm người hướng dẫn nên quen dần. Do được bao tiêu sản phẩm nên đầu ra ổn định”.
Từ diện tích ban đầu là 1.000m2, đến nay, ông Phích mở rộng lên 2.000m2. Mỗi tháng, vườn rau thủy canh của gia đình ông cho thu hoạch khoảng 2 tấn với giá bán 40.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được trên 200 triệu đồng/năm. Từ hiệu quả của mô hình, phường 7 dự kiến mở rộng diện tích trồng rau sạch theo hướng tập trung, quy mô lớn.
Bên cạnh trồng rau theo hướng công nghệ cao, ông còn đầu tư trồng thanh long. Hiện gia đình ông là hộ duy nhất trên địa bàn thành phố sản xuất thanh long đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty Cổ phần Phước Hỷ (diện tích 2,5ha), được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Ông Trương Văn Phích ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau
Thời gian qua, việc phát triển nông nghiệp ven đô trên cơ sở ƯDCNC được triển khai, thực hiện khá tốt, nhất là các chương trình, đề án về nông nghiệp, nông thôn. TP.Tân An thực hiện 3 mô hình điểm vùng sản xuất rau ƯDCNC ở 3 địa phương thuộc vùng dự án. Bên cạnh đó, trong Đề án nông nghiệp ven đô, TP.Tân An tập trung vào 4 mô hình: Trồng trọt (sản xuất lúa, sản xuất rau, cây ăn quả); hoa, cây cảnh (cây mai, cây cảnh khác); chăn nuôi (bò, dê, heo, gia cầm) và thủy sản.
Thành phố khuyến khích chuyển đổi cây trồng phải được thực hiện trên việc chọn lựa cây giống phù hợp với đất, nguồn nước,... Theo kế hoạch, TP.Tân An phấn đấu đạt 100ha rau ƯDCNC vào năm 2025; năm 2030, đạt 150ha. Đồng thời, chuyển đổi trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị cao đến năm 2025 là 900ha; đến năm 2030 là 1.000ha.
Thông tin từ Phòng Kinh tế TP.Tân An, qua 3 năm triển khai, thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC và Đề án nông nghiệp ven đô gắn với sản xuất nông nghiệp ƯDCNC trên địa bàn TP.Tân An đạt những kết quả nhất định. Đó là kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư tương đối đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất phát triển và tiêu thụ sản phẩm.
Mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả về năng suất và chất lượng sản phẩm. Công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật được quan tâm thực hiện, cơ bản thuận lợi. Từ đó, giúp người dân ứng dụng vào sản xuất phát huy hiệu quả, tạo sản phẩm có năng suất và chất lượng cao.
Nông dân trên địa bàn TP.Tân An chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao
Thời gian tới, thành phố tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để nhân dân, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương nắm được các nội dung, chính sách, định hướng về thực hiện Đề án nông nghiệp ven đô và Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC.
Song song đó, thành phố tiếp tục đầu tư nâng cấp, duy tu, sửa chữa, nạo vét các công trình thủy lợi, đường giao thông nông thôn; đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm năng suất và chất lượng, sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để mở rộng liên kết đưa các sản phẩm, hàng hóa đến các tỉnh lân cận và TP.HCM. Ngoài ra, thành phố còn nhân rộng những mô hình mang lại hiệu quả cao gắn với thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC./.
Thanh Nga