Tiếng Việt | English

17/02/2025 - 08:50

Trẻ cận thị tăng cao, phải ngăn bệnh từ sớm

Cận thị ở trẻ đang tăng cao, trẻ cần được kiểm soát mắt từ sớm thế nào? Khi trẻ ở trong giai đoạn tiền cận thị, các bác sĩ sẽ theo dõi sát và nếu cần, sẽ can thiệp làm chậm sự tiến triển thành cận thị.

Một bé gái đo mắt kính tại Bệnh viện Mắt TP.HCM (Ảnh: THÙY DƯƠNG)

Trẻ cận thị tăng cao, ngăn bệnh từ sớm ra sao?

Các bậc cha mẹ cần phải đưa trẻ đi khám mắt sớm để được phát hiện, phòng tránh...

Can thiệp sẽ làm chậm tiến triển thành người cận thị

Chị P.T.K. (45 tuổi, ngụ ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) kể gần đây con gái chị đang học lớp 6 khi học cứ nhìn sát vào sách vở, chị thấy lo lắng nên đưa con đến Bệnh viện Mắt TP.HCM khám thì được phát hiện bị cận 0,75 độ, có thêm loạn.

Con chị đã được đo kính, hẹn 3 tháng sau tái khám. Chị K. có hai cô con gái thì cả hai cùng cận. Bé đầu cũng phát hiện bị cận khi mới học lớp 5. Các con cùng kể gần nửa lớp trong lớp học của các con đều bị cận.

BS CK II Nguyễn Thị Hồng Hạnh, phó trưởng khoa mắt nhi Bệnh viện Mắt TP.HCM, cho biết tật khúc xạ cận thị là một vấn đề nóng và tỉ lệ mắc cận thị ngày càng gia tăng trên toàn thế giới.

Theo WHO, ước tính đến năm 2050 có khoảng 4,758 tỉ người bị cận thị (50% dân số), và 938 triệu người mắc cận thị nặng (10% dân số).

Tỉ lệ cận thị đặc biệt cao ở các nước Đông Á, trong đó có Việt Nam. Cận thị thường gặp nhất ở lứa tuổi học đường - từ lớp 1 đến lớp 12, tức là từ 6 đến 17 tuổi. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã cho thấy độ tuổi khởi phát cận thị càng sớm, nguy cơ tiến triển cận thị càng cao.

Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến cận thị ở trẻ. Đầu tiên phải kể đến là gene di truyền. Thứ hai là các hoạt động nhìn gần, ví dụ như: những trẻ có thời gian học tập nhiều, học tập liên tục, hoặc trẻ giải trí bằng điện thoại, máy tính... là những hoạt động nhìn gần nhiều, dễ dẫn đến hình thành, tiến triển cận thị.

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như trẻ ít vận động ngoài trời, môi trường chiếu sáng, vệ sinh thị giác học đường chưa đủ ánh sáng cho trẻ...

Có những nghiên cứu cho thấy nếu cường độ sáng yếu, tức là không đủ ánh sáng khi ngồi học, trẻ chưa bị cận sẽ có nguy cơ bị cận nhiều hơn. Tương tự, với trẻ đã bị cận, thiếu ánh sáng sẽ dễ bị tăng độ cận, làm trẻ dễ bị mỏi mệt, mỏi mắt dẫn đến chất lượng học tập ngày càng kém.

Theo bác sĩ Hồng Hạnh, mục tiêu lớn hiện nay của các nhà nhãn khoa trên toàn thế giới là phòng ngừa và kiểm soát tiến triển của cận thị. Bệnh viện Mắt TP.HCM cũng thực hiện các nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu trên thế giới vào việc phòng ngừa và kiểm soát tiến triển của cận thị.

Việc ngăn ngừa khởi phát cận thị từ giai đoạn sớm là rất quan trọng, đặc biệt là giai đoạn trước tuổi đi học.

"Theo lý thuyết một trẻ bình thường ở trước tuổi đi học, mắt trẻ phải có độ viễn thị nhẹ. Lúc này, nếu trẻ được khám mắt và bác sĩ phát hiện trẻ không bị viễn thị nhẹ thì mắt của trẻ sẽ có nguy cơ tiến triển thành cận thị trong tương lai.

Đây có thể được coi là giai đoạn tiền cận thị. Khi trẻ ở trong giai đoạn tiền cận thị, các bác sĩ sẽ theo dõi sát và nếu cần, sẽ can thiệp làm chậm sự tiến triển thành cận thị. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần phải đưa trẻ đi khám mắt sớm để được phát hiện, phòng tránh, kiểm soát mắt ngay từ giai đoạn tiền cận thị", bác sĩ Hồng Hạnh thông tin.

Có trẻ bị cận trên 20 độ nếu không được kiểm soát

Theo bác sĩ Hồng Hạnh, tối thiểu trong năm đầu tiên sau sinh nên cho trẻ khám mắt lần đầu tiên để tầm soát những bệnh lý bẩm sinh.

Trong thực tế có những trẻ bị cận bẩm sinh, dù số này ít gặp, nhưng độ cận hầu như rất cao. Với những trẻ này, nếu phát hiện và điều trị trễ sẽ dẫn đến nhược thị. Trẻ có thể bị cận lên đến trên 20 độ nếu không được kiểm soát.

Khi đó có thể kéo theo rất nhiều nguy cơ bệnh lý gây mù lòa như bong võng mạc, tân mạch hắc mạc, glaucoma...

Nhiều phụ huynh lo lắng trẻ nhỏ chưa biết đọc và chưa thể hợp tác với bác sĩ để kiểm tra mắt cho trẻ. Bác sĩ Hạnh cho hay đối với trẻ nhỏ có thể ước lượng sơ bộ được thị lực bằng những dụng cụ thăm khám chuyên biệt.

Mặt khác, các phương pháp khám khúc xạ khách quan cũng giúp phát hiện trẻ nhỏ có tật khúc xạ bẩm sinh.

Với những trẻ đã bị cận, đã được đeo kính cũng cần được kiểm tra thị lực từ 6 tháng đến 1 năm xem trẻ có tăng độ hay không để thay kính kịp thời. Với những trẻ tăng độ cận nhanh do trẻ nhìn gần nhiều, bác sĩ sẽ có các biện pháp can thiệp.

Nếu khám lần đầu cho kết quả bình thường, có thể tái khám mỗi năm 1 lần, hoặc ít nhất đến thời điểm trước khi trẻ đi học cần khám tiếp lần 2 để đo khúc xạ.

Khi trẻ đi học, chương trình khám mắt học đường được triển khai ở các trường học hằng năm cũng giúp tầm soát tật khúc xạ cho trẻ. Những trẻ có thị lực dưới 7/10 sẽ được trường khuyến nghị với phụ huynh đưa trẻ đi khám mắt./.

Nên tăng thời gian hoạt động ngoài trời

Theo PGS Trần Hải Yến, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, để phòng ngừa cận thị ở trẻ cần cho trẻ tăng thời gian hoạt động ngoài trời, tối thiểu 2 tiếng/ngày, giảm thời gian tiếp xúc mắt với thiết bị điện tử và học, đủ ánh sáng khi đọc sách và các hoạt động nhìn gần.

Theo Báo Tuổi Trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/tre-can-thi-tang-cao-phai-ngan-benh-tu-som-20250217075024337.htm

Chia sẻ bài viết