Tiếng Việt | English

12/09/2023 - 09:18

Trên công trình trọng điểm đường Vành đai 3 TP.HCM 

Về cơ bản, dự án (DA) đường Vành đai 3 TP.HCM được tỉnh Long An hoàn thành các mốc tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ. Tại 3 gói thầu, các đơn vị đang tập trung nhân lực, vật lực để triển khai thi công. Ghi nhận của phóng viên Báo Long An trên công trường DA đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh.

Dự án (DA) đường Vành đai 3 TP.HCM được tỉnh hoàn thành các mốc tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ

DA đường Vành đai 3 TP.HCM được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 57/2022/QH15, ngày 16/6/2022 và triển khai, thực hiện DA tại Nghị quyết số 105/NQ-CP, ngày 15/8/2022.

DA có tổng chiều dài khoảng 76,34km, đi qua địa phận TP.HCM và 3 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An; được chia thành 8 DA thành phần vận hành độc lập với tổng mức đầu tư 75.378 tỉ đồng. Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh gồm 8 làn xe cao tốc và đường song hành 2 bên.

Giai đoạn 1 đầu tư 4 làn xe cao tốc cùng đường song hành 2 bên. Trong đó, đoạn qua tỉnh Long An có chiều dài 6,84km với 2 DA thành phần gồm DA thành phần 7 - Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Long An, tổng mức đầu tư 3.040 tỉ đồng và DA thành phần 8 - Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Long An, tổng mức đầu tư 1.168 tỉ đồng.

Vào tháng 6/2023, tỉnh chính thức khởi công DA, phấn đấu cơ bản hoàn thành, thông xe phần cao tốc vào năm 2025 và hoàn thành toàn bộ DA vào năm 2026.

Tại gói thầu xây lắp số 1, đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, vật lực đào đắp khuôn đường công vụ để chuẩn bị thi công đại trà

Đến nay, UBND huyện Bến Lức đã chi trả tiền bồi thường cho 389/398 hộ dân, đạt 97,7%; diện tích bồi thường 42,3/43,55ha, đạt 97,1%

Phương tiện, máy móc được các đơn vị thi công tập trung về công trường dự án đường Vành đai 3 TP.HCM

Ban Quản lý dự án Vành đai 3 TP.HCM, Sở Giao thông Vận tải kiểm tra tiến độ các gói thầu thi côngKhó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn cát phục vụ thi công không bảo đảm

Tại gói thầu xây lắp số 2 cũng gặp một số khó khăn vì mặt bằng chưa được bàn giao đầy đủ do một số hộ dân chờ tái định cư. Tuy nhiên, đơn vị thi công gói thầu Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam - Công ty Cổ phần ĐTXD Dầu khí IDICO - Công ty Cổ phần Núi Hồng tranh thủ tận dụng những vị trí đã bàn giao mặt bằng để tổ chức thi công. Đồng thời, gói thầu xây lắp số 2 đã khoan 2/36 cọc thử. Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Núi Hồng - Lương Thanh Đức cho biết, hiện đơn vị tận dụng mặt bằng để thi công cống hộp đôi của đường song hành tuyến trái. Dự kiến cuối tháng 9/2023, đơn vị sẽ tăng cường lực lượng để tổ chức thi công khi các điều kiện mặt bằng được bảo đảm

Trong khi đó, tại gói thầu xây lắp số 3 - xây dựng nút giao cuối tuyến, đơn vị thi công đã hoàn thiện mặt bằng công trường, lán trại và bắt đầu khoan cọc thử. Theo thiết kế, mỗi mố sẽ phải khoan 1 cọc thí nghiệm. Khi đủ 21 ngày, sẽ thực hiện thí nghiệm với các bước siêu âm, khoan lõi, thí nghiệm PDA kiểm tra sức chịu tải trước khi triển khai thi công cọc đại trà. Hiện đơn vị thực hiện khoan thử được 4 vị trí cọc. Để chuẩn bị cho thi công, các nhà thầu đã đưa về công trường 2 giàn khoan cùng các thiết bị phụ trợ với khoảng 40 cán bộ, kỹ thuật và công nhân. Ông Vũ Thông Trường - Chỉ huy trưởng Liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Trung Thành - Công ty Cổ phần Đầu tư Tam Sơn - Tổng Công ty Thăng Long-CTCP, cho biết: “Từ nay đến ngày 20/9/2023, chúng tôi phấn đấu thực hiện khoan xong cọc thí nghiệm và chuẩn bị thực hiện thí nghiệm trước khi thi công tập trung. Chúng tôi cũng cam kết sẽ thi công bảo đảm an toàn, chất lượng, theo đúng tiến độ cam kết”

Theo tính toán, DA cần khoảng 800.000m3 cát để đắp nền đường. Trong đó, năm 2023 cần khoảng 250.000m3. Tuy nhiên, hiện nay, các mỏ cát nhà thầu dự thầu cung cấp cho DA đang ngừng cung cấp do nhiều nguyên nhân.

Trong đó, mỏ Đồng Phú (tỉnh Vĩnh Long); mỏ Vòm Cái Thia, Hòa Khánh 1, Nam Cồn Đa (tỉnh Tiền Giang); mỏ Bình Thạnh trên sông Tiền (tỉnh Đồng Tháp) đã hết hạn khai thác; mỏ cát trên sông Cổ Chiên (tỉnh Trà Vinh) chưa được cấp phép; mỏ cát trên sông Tiền đoạn từ Hồng Ngự đến Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) mới được gia hạn khai thác đến ngày 31/12/2023 nhưng chỉ cung cấp cho các công trình nội bộ tỉnh; các mỏ cát trên sông Tiền, sông Hậu thuộc tỉnh An Giang đang đóng mỏ để thanh tra; một số mỏ cát thuộc tỉnh Bến Tre đến nay vẫn chưa được cấp phép.

Ngoài ra, tại vị trí nút giao giữa DA thành phần 7 của DA đường Vành đai 3 TP.HCM với DA đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có diện tích thi công hẹp, cùng lúc triển khai nhiều mũi thi công các công trình cầu vượt, đường dẫn và tuyến chính kết nối.

Hiện DA Vành đai 3 có sử dụng một số vị trí chồng lấn giữa 2 DA nhưng không nằm trong phạm vi thi công công trình chính của DA đường cao tốc Bến Lức - Long Thành để thi công đường công vụ, bãi đúc dầm và lán trại, tuy nhiên, phía Ban Quản lý DA các đường cao tốc phía Nam yêu cầu tạm dừng thi công và di dời ra khỏi phạm vi mặt bằng của DA đường cao tốc Bến Lức - Long Thành làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của DA đường Vành đai 3.

Trước thực trạng đó, Sở Giao thông Vận tải, Ban Quản lý DA Vành đai 3 đang tích cực phối hợp các nhà thầu, Sở Tài nguyên và Môi trường và các tỉnh lận cận tổ chức khảo sát tìm nguồn cát trong thời gian nhanh nhất để triển khai thi công “3 ca, 4 kíp” khi thời tiết thuận lợi, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Đồng thời, Sở Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các nhà thầu tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công phù hợp với mặt bằng hiện có và điều kiện thời tiết, bảo đảm hoàn thành các mốc tiến độ cam kết”.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Giám đốc Ban Quản lý DA Vành đai 3 - Trần Thiện Trúc

 Nhật Minh

Chia sẻ bài viết