Tiếng Việt | English

29/07/2024 - 11:22

Tri ân, sắt son truyền thống anh hùng

Đối với người Việt Nam, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là truyền thống quý báu được lưu truyền ngàn đời.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, truyền thống đó được nâng lên tầm cao mới, gắn liền với tình cảm thiêng liêng, văn hóa, con người Việt Nam, với ý thức trách nhiệm và hành động cao đẹp của toàn dân tộc và hệ thống chính trị. Từ ngày 16/02/1947, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL "Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ", đã khẳng định trước quốc dân, đồng bào về vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ.

Để bàn về thực hiện chỉ thị Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn một ngày làm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp và nhất trí chọn ngày 27/7 là ngày “Thương binh toàn quốc”. Từ đó, hàng năm cứ vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ.

Đặc biệt, từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến công tác thương binh, liệt sĩ. Từ tháng 7/1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi ngày “Thương binh toàn quốc” thành ngày “Thương binh - liệt sĩ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.

Đến nay, qua 77 năm, Ngày Thương binh - Liệt sĩ đã ăn sâu vào suy nghĩ, tâm khảm của bao thế hệ người Việt Nam, trở thành việc làm thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân.

Với truyền thống “trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, hiện tỉnh có hơn 102.700 người có công với cách mạng, trong đó có 30.702 liệt sĩ, 12.961 thương, bệnh binh, 5.377 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Thấm nhuần đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc và thấu hiểu sâu sắc giá trị của sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh, người có công với cách mạng, trong hơn 20 năm qua, tỉnh đã vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được hơn 330 tỉ đồng, xây mới 11.488 căn nhà tình nghĩa và sửa chữa 2.601 căn nhà cho người có công với cách mạng. Tỉnh luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng; tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”;...

Đặc biệt, năm 2024, tỉnh phát động rộng rãi “Phong trào tiết kiệm, huy động nguồn lực xã hội để xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa trên địa bàn tỉnh”. Trong năm 2024-2025, tỉnh huy động kinh phí hơn 16,5 tỉ đồng để xây dựng, sửa chữa 283 căn nhà ở của người có công với cách mạng bị hư hỏng, xuống cấp, chất lượng không bảo đảm mà có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh,...

Báo Long An thăm, tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng và gia đình chính sách

 

Báo Long An thăm, tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng và gia đình chính sách 

Công đoàn cơ sở phối hợp Chi đoàn cơ sở Báo Long An thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng và gia đình chính sách có người thân là cán bộ, viên chức, người lao động đang công tác tại đơn vị.

Tháng 7 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là khoảng thời gian mà truyền thống tri ân, đền ơn đáp nghĩa được thể hiện cao độ, đủ đầy nhất. Dịp này, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và mỗi người dân trong tỉnh phát huy truyền thống tốt đẹp “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, với tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc tổ chức nhiều hoạt động tri ân, chăm lo cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Những việc làm này chính là trách nhiệm, lương tâm, đạo lý cao đẹp, tình cảm thiêng liêng nhất, làm son sắt truyền thống “trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” của quê hương Long An anh hùng, nghĩa tình./.

Long An

Chia sẻ bài viết