Nông dân tham quan ruộng lúa canh tác theo hướng thông minh
Mang lại hiệu quả
Ông Trương Văn Hùng - xã viên của HTX Hưng Tân, sản xuất trên 7ha lúa. Theo ông Hùng, thời gian qua, nông dân được ngành chức năng hỗ trợ nhiều trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Vụ Đông Xuân này, ông Hùng được HTX, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Hưng hướng dẫn, hỗ trợ tham gia chương trình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” trên diện tích 0,5ha. “Hiện lúa chưa thu hoạch nhưng đã thấy hiệu quả rõ rệt. Năng suất thu hoạch dự kiến trên 7,5 tấn/ha. Điều quan trọng là chi phí đầu vào giảm nhiều so với trồng lúa truyền thống như trước đây” - ông Hùng cho biết.
Trong quy trình sản xuất lúa thông minh, ông Hùng được hỗ trợ thực hiện biện pháp kỹ thuật tổng hợp “1 phải, 5 giảm” trong thâm canh cây lúa, sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống gieo sạ, giảm bón thừa phân đạm, giảm phun thuốc trừ sâu, giảm lượng nước tưới. Ông Hùng nói thêm, khi mới tham gia thử nghiệm, tôi cũng lo sợ lượng lúa giống, phân bón đều giảm sẽ không đủ chất dinh dưỡng cho lúa phát triển, khó đẻ nhánh. Nhưng kết quả mang lại khá bất ngờ, lúa ở thời kỳ sinh trưởng đẻ nhánh tốt, cây lúa xanh, chắc khỏe.
Ông Trần Văn Ga, ngụ ấp Hưng Tân, hiện chưa canh tác lúa thông minh nhưng dự định sẽ thực hiện trong vụ lúa sắp đến. Bởi thời gian qua, ông Ga có trao đổi, tìm hiểu cách trồng lúa thông minh và thực hiện đối chứng. Ông Ga cho biết, quá trình canh tác lúa thông minh không quá khó, nông dân cần áp dụng các biện pháp như bảo vệ thiên địch, thăm đồng thường xuyên, sạ thưa và gieo sạ tập trung né rầy, không phun thuốc trừ sâu sớm trong vòng 40 ngày, giảm lượng và số lần phun thuốc bảo vệ thực vật bằng dự báo kịp thời, kết hợp phòng trừ sâu, bệnh bằng các biện pháp sinh học để giảm chi phí và đảm bảo môi trường. Nếu thực hiện tốt các biện pháp này, nông dân sẽ giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận.
Tăng cường liên kết, tạo đầu ra ổn định
Chương trình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Hưng triển khai trong vụ Đông Xuân 2020-2021 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tại Long An, mô hình được triển khai, thực hiện tại HTX Hưng Tân. Giám đốc HTX Hưng Tân - Ngân Văn Phi cho biết, mô hình được thực hiện với diện tích 3ha (4 thành viên) và so sánh đối chứng với ruộng của nông dân. Khi canh tác lúa thông minh, nông dân được tập huấn, thực hành trên chính mảnh đất của mình. Điều này giúp nông dân tiếp cận được những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, những kinh nghiệm sản xuất hay từ chính những nhà khoa học về nông nghiệp, các cán bộ kỹ thuật có chuyên môn từ cơ quan quản lý nhà nước. Trong quá trình thực hiện, nông dân được giải đáp thắc mắc về canh tác. Qua 1 vụ canh tác, nông dân thực hiện mô hình lẫn nông dân ngoài mô hình đều nhận thấy rõ những ưu điểm của quy trình canh tác lúa thông minh. Vì vậy, sau vụ lúa Đông Xuân này, nông dân trong HTX sẽ bắt đầu áp dụng các biện pháp canh tác lúa thông minh.
HTX Hưng Tân hiện có 159 thành viên sản xuất 600ha lúa. Vụ Đông Xuân 2020-2021, HTX liên kết với Tập đoàn Lộc Trời trên diện tích 125ha. Theo đó, Tập đoàn Lộc Trời đầu tư bình quân khoảng 5 triệu đồng/ha để cung cấp giống xác nhận, phân urê, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật,... Cuối vụ, Tập đoàn thu mua hết nông sản trong vùng liên kết theo giá thị trường. Theo ông Ngân Văn Phi, sau vụ Đông Xuân này, HTX tiếp tục phối hợp Tập đoàn Lộc Trời, doanh nghiệp khác tăng diện tích bao tiêu lên 200ha, đến hết năm 2021 tăng lên 300ha và đến hết năm 2025 bao tiêu hết diện tích 600ha của các thành viên. Làm được điều này, HTX và các thành viên sẽ chủ động chọn giống lúa, sản xuất lúa theo hướng hàng hóa mà thị trường, doanh nghiệp cần và quyết định được giá bán ra./.
Gia Hân