Zalo Connect được tích hợp như một tính năng trên ứng dụng Zalo. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Zalo Connect là nền tảng có chức năng kết nối giữa những người khó khăn và các nhà hảo tâm với nhau.
Đây cũng là một trong nhiều nền tảng công nghệ chống dịch đang được quản lý bởi Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia.
Nền tảng này được tích hợp như một tính năng trên ứng dụng Zalo. Người dùng có thể truy cập ngay phần đầu trang Nhật ký Zalo. Tùy theo nhu cầu của mình, họ có thể chọn vào phần "Tôi cần giúp đỡ" hoặc "Tôi muốn giúp đỡ."
Người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm sự giúp đỡ khẩn cấp từ cộng đồng về lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm hoặc kết nối nhanh với các bác sĩ, chuyên gia y khoa để được tư vấn y tế từ xa.
Khi phát đi yêu cầu cứu trợ, thông tin sẽ được chia sẻ và cập nhật trên hệ thống bản đồ để người kêu cứu có thể nhận được giúp đỡ từ cộng đồng. Người dân xung quanh khu vực sinh sống của người cần trợ giúp hoặc các tổ chức, nhóm thiện nguyện có thể thấy được thông điệp "cần giúp đỡ" và tương trợ.
Với các cá nhân, tổ chức thiện nguyện, họ cũng có thể tìm đến mục "Tôi muốn giúp đỡ" trên Zalo Connect để nhanh chóng phát hiện những trường hợp đang gặp khó khăn tại khu vực gần nơi mình sinh sống. Nền tảng lúc này sẽ trả về danh sách hoặc bản đồ những trường hợp cần trợ giúp quanh đó với đầy đủ thông tin cá nhân, địa chỉ và tình trạng.
Sau một thời gian triển khai, Zalo Connect đã làm rất tốt chức năng của mình khi giúp cho nhiều người khó khăn nhận được sự giúp đỡ cần thiết.
Ông Đoàn Quốc Anh - Trưởng dự án Zalo Connect, cho biết nền tảng kết nối cứu trợ Zalo Connect đã được triển khai tại 21 tỉnh, thành phố trên cả nước gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Tuy vậy, thời gian gần đây, có không ít người tỏ ra bức xúc về việc nhiều tài khoản sử dụng có thái độ thiếu nghiêm túc khi kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng.
Một số người dùng sử dụng Zalo Connect để làm nơi nhờ mua... bia và kêu gọi tụ tập đánh bạc. Có người thậm chí còn xin tiền không có lý do trên nền tảng này.
Một số trường hợp còn đưa ra yêu cầu muốn nhận được gạo ST25, trứng cá hồi, thịt bò Kobe... là những loại lương thực, thực phẩm có giá không rẻ. Khi liên hệ với chủ tài khoản trên, phóng viên nhận được trả lời là "Đùa cho vui."
Trên mạng xã hội, nhiều người tỏ ra bức xúc khi biết nhiều tài khoản đang sử dụng Zalo Connect như một phương tiện để trêu đùa, mua vui trong thời gian giãn cách xã hội.
Anh Thanh Tùng (Hoài Đức, Hà Nội) cho hay: "Tôi truy cập Zalo Connect để tìm người cần giúp đỡ. Tuy nhiên, khi đọc được những lời yêu cầu trêu đùa, bỡn cợt như vậy khiến lòng tốt của mình bị coi thường."
Nhiều trường hợp tỏ ra thiếu nghiêm túc khi xin nhận giúp đỡ. (Ảnh chụp màn hình)
Trước thông tin về một số trường hợp thiếu nghiêm túc khi kêu gọi sự trợ giúp trên nền tảng, đại diện Zalo Connect cho biết đơn vị chưa tiến hành thống kê, tuy nhiên những trường hợp xin trợ giúp cá hồi, thịt bò Kobe đã được kiểm duyệt và loại ra khỏi hệ thống.
Theo đơn vị phát triển Zalo Connect, đó chỉ là vài trường hợp cá biệt. Zalo đang cố gắng hạn chế tối đa những lời kêu gọi trợ giúp kiểu như vậy.
Để giải quyết tình trạng trên, Zalo xây dựng kèm theo một tính năng giúp "report" trên nền tảng Zalo Connect. Nếu gặp người kêu gọi giúp đỡ thông tin sai, lừa đảo hoặc có lời lẽ thiếu nghiêm túc, đứng đắn, người trợ giúp có thể sử dụng tính năng "Báo xấu" ngay trên nền tảng.
Khi chọn tính năng đó, người dùng có thể báo cáo về các hành vi như quảng cáo, lừa đảo, làm phiền người khác,... để đơn vị phát triển ứng dụng kịp thời xử lý, ngăn chặn.
Người dùng có thể báo cáo về các trường hợp quảng cáo, lừa đảo, làm phiền ngay trên nền tảng. (Ảnh chụp màn hình).
Đối với những trường hợp người trợ giúp có lời lẽ, hành vi thiếu đứng đắn khi nhắn tin trao đổi, người xin trợ giúp cũng có thể "report" tới Zalo thông qua việc chọn tính năng báo xấu ở phần "Cài đặt khác" trên cửa sổ chat./.
Minh Sơn (Vietnam+)