Long An có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chuyên về nông sản ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc cho hàng hóa của mình
Truy xuất là tất yếu
Trong khuôn khổ của Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP.HCM và 45 tỉnh, thành năm 2019-2020 tại TP.HCM, Long An tham gia trưng bày nhiều nông sản như gạo, rau, củ, quả, rượu trái cây, đậu phộng,... Hầu hết sản phẩm đều được người tiêu dùng tại đây lựa chọn mua sắm. Ngoài ra, không ít DN mong muốn kết nối, tạo mối liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Chọn mua rau ăn lá của HTX Rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê, huyện Cần Đước), chị Minh Thùy, ngụ quận Tân Bình, cho biết: “Trên từng bao bì của các loại sản phẩm đều có mã QR để truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại thông minh. Điều này khiến tôi an tâm vì biết được vùng trồng, chất lượng sản phẩm”.
Theo Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai - Lê Văn Giấy, HTX thực hiện làm mã QR cho sản phẩm từ tháng 01/2018 do yêu cầu của các đơn vị thu mua như siêu thị, DN đầu mối tại TP.HCM.
Ông Lê Văn Giấy chia sẻ thêm, nếu đối tác không yêu cầu thực hiện truy xuất nguồn gốc bằng mã QR thì HTX vẫn thực hiện bởi đây là xu hướng tất yếu. Tất cả chi phí thực hiện đều từ kinh phí của HTX. Sau gần 2 năm thực hiện truy xuất nguồn gốc, sản phẩm của HTX được đối tác, người tiêu dùng đánh giá cao, sản lượng tiêu thụ theo hợp đồng tăng 30% so với trước. Hiện nay, bình quân các thành viên HTX sản xuất khoảng 4-5 tấn rau/ngày theo quy trình VietGAP. Lượng tiêu thụ theo hợp đồng 1,5 tấn/ngày. Mỗi ngày, sau khi thu hoạch tại ruộng, rau được đưa về kho phân loại, sơ chế, dán tem truy xuất nguồn gốc. Điều đáng mừng là khi ứng dụng hệ thống thông tin điện tử, sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, tất cả thành viên HTX nâng cao kiến thức và ý thức, trách nhiệm trong quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng.
Long An có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chuyên về nông sản ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc cho hàng hóa của mình
Công ty Cổ phần Xây lắp - Cơ khí và Lương thực thực phẩm (Mecofood, TP.Tân An) kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó có chế biến gạo các loại. Phó phòng Kế hoạch Kinh doanh - Hồ Minh Hợp chia sẻ, trong thời buổi cạnh tranh, DN rất quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu với người tiêu dùng thông qua việc nhận dạng bằng mã số, mã vạch, mã QR. Công ty đã áp dụng nhận diện thương hiệu bằng mã vạch được in trên bao bì sản phẩm từ năm 2005 khi bán hàng qua hệ thống siêu thị. Nhờ đó, lượng gạo tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu của DN tăng lên hàng năm. Hiện tại, Mecofood có 9 loại sản phẩm gạo trên thị trường. Bình quân 1 tháng, Mecofood bán ra thị trường nội địa khoảng 20.000 tấn, 14.000 tấn dành cho xuất khẩu.
Ông Hồ Minh Hợp chia sẻ thêm, trong tháng 10 này, công ty phối hợp các ngành liên quan tiếp tục tổ chức lớp tập huấn sản xuất theo quy trình VietGAP cho nông dân thực hiện cánh đồng lớn tại xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh. Đây là vùng được DN phối hợp HTX Tân Đồng Tiến sản xuất theo hướng liên kết, bao tiêu sản phẩm. Sản phẩm thu hoạch được chế biến, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. DN đang tiến hành các thủ tục truy xuất nguồn gốc bằng mã QR trên vùng trồng này. Điều này sẽ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng khi có thể truy xuất đầy đủ thông tin ngược dòng từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối. Với phương thức truy xuất nguồn gốc, DN có nhiều thuận lợi như tăng hiệu quả truyền thông, bán hàng, đồng thời giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm, tránh hàng gian, hàng giả.
Mở rộng thị trường
Việc truy xuất nguồn gốc nông sản được xem là xu thế tất yếu để phát triển chuỗi giá trị bền vững. Đây cũng là giải pháp giúp nông sản khẳng định được thương hiệu, chất lượng trước sức ép hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay.
Bên cạnh đó, nông sản có thể vươn xa ra thị trường quốc tế. Chính vì vậy, để DN, HTX chú trọng thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản, thời gian qua, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản hỗ trợ kinh phí để 3 DN, HTX in 342.000 tem truy xuất nguồn gốc. Từ nay đến cuối năm 2019, chi cục tiếp tục hỗ trợ 7 DN, HTX kinh phí in tem. Việc làm này nhằm tạo sức lan tỏa, nhân rộng trong DN, HTX. Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt,
Người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng điện thoại thông minh
Bảo vệ thực vật và Quản ý chất lượng nông sản - Nguyễn Văn Cường, hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước ngày càng có nhiều quy định chặt chẽ về an toàn thực phẩm. Vì vậy, DN, HTX nên chuyển sang hướng sản xuất sản phẩm sạch và tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Trong đó, việc truy xuất nguồn gốc vừa bảo đảm an toàn, tạo niềm tin với người tiêu dùng vừa góp phần quảng bá hình ảnh và thương hiệu của mình.
Là đặc sản của Đức Hòa, đậu phộng rang thương hiệu Hữu Lộc hiện không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn vươn ra nhiều tỉnh, thành khác như TP.HCM, An Giang, Đồng Nai, Siêu thị BigC. Chủ cơ sở - Đoàn Văn Phước cho biết: “Sở dĩ đậu phộng Hữu Lộc “vươn xa” như hiện nay là do chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm”. Cách đây hơn 2 tháng, cơ sở thực hiện các thủ tục cần thiết để đăng ký mã vạch và in trực tiếp lên bao bì sản phẩm. Theo ông Phước, in tem truy xuất lên sản phẩm giúp người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, qua đó an tâm sử dụng và nâng cao nhận thức, không dùng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Chuối thương hiệu Fohla do Công ty TNHH Huy Long An sản xuất là một trong những nông sản của Long An “vươn xa” và chinh phục thị trường quốc tế, nhất là các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Hiện nay, ngoài chuối, DN còn có bưởi da xanh tiếp tục “vươn xa”. Theo Giám đốc DN - Võ Quan Huy, thành công này là nhờ quá trình xây dựng thương hiệu, trong đó cốt lõi là sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc, nghĩa là trồng trọt phải có quy trình, minh bạch và có trách nhiệm với sức khỏe của người tiêu dùng. Ở các nước tiên tiến, xu hướng dùng thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc là thói quen, riêng ở Việt Nam đang có chuyển biến tích cực nhưng chưa rộng. DN, HTX đừng nên nghĩ đây là điều khó mà sản xuất chạy theo năng suất, mẫu mã đẹp, giá thành rẻ, không chú trọng chất lượng.
Hiện nay, Long An có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chuyên về nông sản sử dụng tem truy xuất nguồn gốc cho hàng hóa. Những hiệu quả của việc ứng dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc tại các đơn vị, DN, HTX thời gian qua bước đầu khẳng định việc nâng cao kiến thức, ý thức, trách nhiệm trong việc sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn./.
"Theo xu thế phát triển của thị trường, bên cạnh yêu cầu ngày càng cao về chất lượng hàng hóa, người tiêu dùng còn muốn biết nhiều hơn về quá trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển đến bày bán. Vì vậy, việc truy xuất nguồn gốc dần trở thành tiêu chuẩn cứng vì những lợi ích thực tế mà có mang lại. Về phía sở, sẽ ưu tiên kết nối cung - cầu hàng hóa đối với các sản phẩm có đủ điều kiện về an toàn thực phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc với các DN phân phối lớn tại TP.HCM, bếp ăn tập thể, hệ thống cửa hàng bán lẻ tiện ích”.
Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức
|
Mai Hương