Tiếng Việt | English

25/09/2015 - 07:08

Từ nghiện rượu đến… loạn thần

Với những người lạm dụng rượu, khoảng cách từ những cuộc vui với men say đến tình trạng lệ thuộc và sau đó trở nên loạn thần là không xa

Trung tâm Giám định pháp y tâm thần khu vực TP HCM thỉnh thoảng tiếp nhận những ca giám định hình sự có liên quan đến rượu. Theo ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, giám đốc trung tâm, các vụ án rất đa dạng, từ những ông chồng đang hiền lành bỗng dưng ghen tuông, đánh đập vợ đến những trường hợp giết người, hiếp dâm, cố ý gây thương tích… Thậm chí có một thanh niên mới 24 tuổi trong lúc giận bạn gái đã đi nhậu đến mức không kiểm soát được sự ham muốn bệnh hoạn nên đã cưỡng hiếp… một bà già hơn 60 tuổi để rồi phải đối mặt với pháp luật.

Lạm dụng, lệ thuộc rượu: 13%

“Theo dịch tễ học, tỉ lệ người sử dụng rượu có thể lên tới 85% dân số, trong đó khoảng 13% có tình trạng lạm dụng hay lệ thuộc rượu” - BS Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TP HCM, cho biết tại hội thảo “Thực trạng sử dụng rượu bia trong giới trẻ” do Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe TP HCM vừa tổ chức.

Cũng theo nghiên cứu của BS Hiển, riêng ở TP HCM, nhóm người được xác định bị lệ thuộc vào rượu là khoảng 5%. Khi đã gọi là lệ thuộc thì nguy cơ mắc trầm cảm của họ lên đến 30%-40%, rối loạn lo âu là 25%-50%. Đặc biệt, nhóm người nghiện rượu cũng có xu hướng tìm đến ma túy nhiều hơn người thường (gấp 6 lần) và làm tăng cao tỉ lệ tự sát (chiếm 25% số vụ tự sát).


Người lạm dụng rượu có nguy cơ rối loạn tâm thần Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Về việc một số người nghiện rượu lâu ngày bắt đầu trở thành “bất bình thường”, ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang lý giải: “Aldehyde trong rượu sẽ tích tụ trong máu, nếu một người uống quá nhiều và uống liên tục, aldehyde đào thải không kịp sẽ thành độc tố tác động đến hệ thần kinh trung ương, làm rối loạn chuyển hóa các chất trung gian thần kinh, gây tổn thương và hủy hoại các tế bào thần kinh. Từ đó, người bệnh bị biến đổi về các mặt hoạt động tâm thần như nhân cách, tư duy, cảm xúc, trí nhớ, hành vi…”.

BS Quang cũng liệt kê một số chứng bệnh tâm thần có nguyên nhân từ lạm dụng rượu, bao gồm: bệnh hoang tưởng (hoang tưởng ghen tuông, bị hại, bị theo dõi…), rối loạn cảm xúc (cảm xúc trở nên khô lạnh, thờ ơ…), hưng cảm (hưng phấn bất thường và hay có các hành động thiếu kiềm chế), lên cơn sảng rượu cấp gây rối loạn ý thức… Các hình thức bệnh có thể mang tính cấp tính hoặc mạn tính và cả 2 dạng đều nguy hiểm. Trong cơn bùng phát bệnh, người nghiện rượu có thể từ một người bản chất hiền lành trở nên rất nguy hiểm cho mọi người xung quanh và cho chính họ. Vì vậy, chớ nên xem nhẹ hiện tượng một người nghiện rượu bắt đầu có những triệu chứng như hay nói nhảm về những điều không có thực; cho rằng có người theo dõi, ám hại mình; ghen tuông với những điều tưởng tượng; bỗng dưng thay đổi hành vi, thói quen như thờ ơ hơn mọi khi hay bất chợt trở nên vui vẻ...

Chỉ vì “nhớ” rượu

Nhiều người uống rượu và lạm dụng rượu nhưng tất nhiên không phải ai cũng mắc bệnh. Theo BS Quang, việc phát bệnh còn phụ thuộc nhiều yếu tố, như thể trạng của người uống rượu, khả năng dung nạp cồn, trạng thái cảm xúc khi uống, chất lượng rượu cũng như sức đề kháng của cơ thể trước các loại rượu kém chất lượng.

“Bệnh sẽ dễ tìm đến hơn nếu người uống không có khả năng uống nhiều, uống mau say nhưng vẫn cố uống, thậm chí là tập uống; uống trong trạng thái tinh thần tiêu cực; uống rượu “dỏm”. Trong đó, đáng quan tâm nhất là vấn đề rượu dỏm; rượu không được chưng cất đúng quy trình, không qua giai đoạn khử độc tố thì nồng độ aldehyde cùng nhiều độc tố khác cao gấp nhiều lần so với rượu được xử lý đúng. Độc tố cao thì nguy cơ loạn thần cũng cao và đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của loạn thần do lạm dụng rượu. Nên lưu ý rượu “dỏm” không chỉ là rượu pha chế tùy tiện giá vài ngàn đồng một xị mà còn là rượu “ngoại” đắt tiền nhưng… đích thực là hàng giả. Cả hai đều đáng sợ như nhau” - BS Quang khuyến cáo.

Theo nhiều bác sĩ chuyên khoa, người loạn thần do rượu dễ rơi vào vòng luẩn quẩn chỉ vì họ… không chịu cai rượu. Nhiều người bệnh đã khỏi nhưng cứ đến dịp lễ, Tết là phải quay lại bệnh viện cũng chỉ vì “nhớ” rượu và uống nhiều. Vì thế, để họ khỏi bệnh thì vai trò của người thân là hết sức quan trọng.

Cai rượu cũng phải biết cách

Với một người nghiện rượu nặng, việc cai rượu cần có sự kiểm soát chặt chẽ bởi cơn loạn thần cũng có thể xuất hiện khi người nghiện rơi vào “hội chứng cai” hoặc biến chứng nặng hơn của hội chứng này là “cơn sảng rượu”. Theo BS Huỳnh Thanh Hiển, hội chứng cai diễn biến ngay sau khi giảm hoặc ngừng rượu đột ngột không lâu với các biểu hiện: run sau 6-8 giờ cai, có triệu chứng bất ổn về tâm thần sau 8-12 giờ, co giật sau 12-24 giờ… Khoảng 5% số bệnh nhân có thể rơi vào cơn sảng rượu kể từ ngày thứ ba sau cai, bao gồm các rối loạn ý thức, nhận thức, các cơn loạn thần, ảo giác…, cần được đưa đến bệnh viện.

Anh Thư/nld.com.vn

Chia sẻ bài viết


Vang Pháp Các loại vang trắng ngọt thượng hạng