Người dân xã Thanh Phú, huyện Bến Lức tích cực tham gia mô hình thu gom rác thải do địa phương phát động, góp phần bảo vệ môi trường
1. Những năm qua, công tác xây dựng, BVMT trên địa bàn được các cấp lãnh đạo quan tâm, chú trọng thực hiện. Tại cơ sở, các địa phương phối hợp sở, ngành tỉnh triển khai hiệu quả các chương trình, hoạt động đối với công tác này. Bên cạnh việc tổ chức tuyên truyền, vận động, địa phương phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), các đơn vị khác phát động thực hiện nhiều mô hình BVMT. Các mô hình thiết thực, ý nghĩa, góp phần lan tỏa, nâng cao nhận thức của người dân, từ đó chung tay, phối hợp chính quyền địa phương trong xây dựng, BVMT.
Môi trường tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức thời gian gần đây thay đổi tích cực. Diện mạo, cảnh quan khởi sắc, trong lành, sạch, đẹp, không còn tình trạng vứt rác thải bừa bãi như trước mà được bỏ đúng nơi quy định. Người dân ý thức cao trong việc BVMT bởi địa phương phát động, xây dựng một số mô hình BVMT hiệu quả, thiết thực. Đặc biệt, hàng tuần, địa phương ra quân dọn vệ sinh trên các trục đường, lộ giao thông nông thôn.
Tham gia trực tiếp trong mô hình, ông Nguyễn Văn Hải (ấp 1A, xã Thanh Phú) chia sẻ: "Địa phương phát động mô hình này thật sự rất hợp lý, thiết thực. Người dân nâng cao nhận thức, hiểu rõ vai trò, trách nhiệm trong việc xây dựng, BVMT. Tình trạng người dân vứt rác bừa bãi cơ bản được khắc phục, đôi lúc chỉ có một số khách đi đường tiện tay ném rác nhưng người khác bắt gặp sẽ tự giác thu gom, bỏ vào nơi quy định. Các tuyến đường được chúng tôi dọn vệ sinh và trồng cây xanh, hoa để tạo cảnh quan. Môi trường trong lành, cuộc sống của chúng tôi cũng trở nên tốt đẹp hơn".
Xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường phát động nhiều mô hình bảo vệ môi trường có hiệu quả thiết thực
2. Từ khi phát động, thực hiện một số mô hình BVMT, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường thay đổi rõ nét. Diện mạo xã đổi mới, môi trường được cải thiện và nâng chất đáng kể. Các tuyến đường, kênh, mương trên địa bàn thường xuyên được người dân và chính quyền ra quân dọn vệ sinh. Địa phương trồng cây xanh, hoa,... người dân phân công nhau chăm sóc. Bên cạnh đó, các hộ dân tham gia thu gom rác thải đầy đủ và bỏ đúng nơi quy định. Các cánh đồng cũng được xã xây dựng các hố thu gom rác thải nguy hại để chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Từ đó, môi trường trong lành, sạch đẹp, thân thiện, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao.
Theo bà Nguyễn Thị Bé (ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp), trước đây, chúng tôi chưa thật sự quan tâm đến công tác xây dựng, BVMT. Địa phương tăng cường tuyên truyền, đặc biệt, xã xây dựng một số mô hình thiết thực giúp người dân nâng cao nhận thức trong việc BVMT. Chúng tôi ai cũng tự nguyện tham gia, góp sức để cải thiện cảnh quan môi trường,
xây dựng diện mạo làng quê sạch, đẹp và nâng cao chất lượng cuộc sống của mình. Gia đình sẽ tiếp tục vận động người thân, các hộ dân xung quanh tích cực hơn nữa trong việc xây dựng và BVMT sống trong khu vực.
Thông tin từ UBND xã Bình Hiệp, địa phương tăng cường tuyên truyền nêu cao vai trò, trách nhiệm của người dân trong việc xây dựng và BVMT. Bên cạnh đó, địa phương xây dựng một số mô hình thiết thực: Hố thu gom xử lý rác thải tại gia đình; hố thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật; ra quân thu gom rác thải; trồng cây xanh, hoa hai bên đường,... Nhờ đó, nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao, tự giác phối hợp trong công tác này. Môi trường trên địa bàn ngày càng được cải thiện qua hàng năm. Xã sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động đã thực hiện; đồng thời, nghiên cứu để thực hiện thêm một số mô hình mới phù hợp với thực tế của địa phương nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng môi trường sống trên địa bàn.
Phân loại rác tại nguồn được người dân phường 3, TP.Tân An hưởng ứng thực hiện, từ đó giảm lượng rác thải góp phần bảo vệ môi trường
3. Phân loại rác tại nguồn là một trong những mô hình, hoạt động BVMT được ngành chức năng phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện và tổ chức triển khai thí điểm tại phường 3, TP.Tân An. Qua khảo sát ý kiến của người dân, mô hình giúp họ nâng cao nhận thức, biết phân loại các loại rác sinh hoạt tại nguồn, góp phần BVMT sống trong khu vực. Bà Nguyễn Thị Hằng (khu phố Bình Đông 2, phường 3, TP.Tân An) chia sẻ: "Qua tuyên truyền của địa phương, thí điểm của ngành chức năng, chúng tôi thấy được những hiệu quả thiết thực từ mô hình và áp dụng phân loại rác tại gia đình. Chúng tôi chia rác thành các loại hữu cơ và vô cơ, bỏ vào túi, thùng rác được chuẩn bị sẵn, từ đó lượng rác giảm, góp phần BVMT, bảo vệ cuộc sống của người dân và cộng đồng xung quanh".
Phó Chủ tịch UBND TP.Tân An - Võ Hồng Thảo cho biết: UBND thành phố chủ động phối hợp Sở TN&MT, tổ chức WWF-Việt Nam triển khai hiệu quả mô hình, làm cơ sở nhân rộng trên toàn địa bàn trong thời gian tới. Điều quan trọng nhất khi mô hình thực hiện, người dân tham gia rất tích cực và nâng cao nhận thức, biết cách phân loại rác tại nguồn, tạo thuận lợi trong quá trình xử lý, giảm được lượng rác thải. Các đơn vị thu gom nâng cao năng lực chuyên môn, phát huy được vai trò. Kinh phí xử lý rác cũng giảm, bài toán về kinh tế đạt hiệu quả. Khối lượng rác trên địa bàn phường 3 được thu gom khoảng 400.000 tấn/tháng, thực hiện phân loại rác hữu cơ khoảng trên 90 tấn/tháng (kết quả phân loại đạt trên 85%). Thời gian tới, TP.Tân An sẽ hướng dẫn cộng đồng dân cư phân loại rác thải tại nguồn theo quy định và thu gom rác thải nhựa có thể tái chế của người tiêu dùng./.
Phó Giám đốc Sở TN&MT - Nguyễn Tân Thuấn thông tin: "Công tác BVMT trên địa bàn được các cấp lãnh đạo tỉnh, địa phương quan tâm, chú trọng. Tỉnh quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện về quản lý rác thải như Chỉ thị 09/CT-UBND, ngày 16/8/2018 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 104/KH-UBND, ngày 16/5/2019 của UBND tỉnh về Quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh từ năm 2019 đến 2025; đồng thời, tỉnh được Tổ chức WWF Việt Nam - Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam hỗ trợ xây dựng Đề án Quản lý rác thải cho tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở phối hợp các hội đoàn thể, địa phương tổ chức nhiều hoạt động liên quan, chương trình cụ thể. Nhiều mô hình thiết thực, cách làm hay được thực hiện phát huy hiệu quả, lan tỏa sâu sắc đến cộng đồng, từ đó, diện mạo, cảnh quan môi trường trên địa bàn được cải thiện đáng kể trong thời gian qua, giúp thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong việc chung tay BVMT".
|
Sơn Quê