Tiếng Việt | English

07/02/2023 - 10:00

Từng bước chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

Việc ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất nông nghiệp đã tạo ra những đột phá trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Đặc biệt, ƯDCNC vào sản xuất còn góp phần tạo ra những sản phẩm chất lượng, có giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường và từng bước chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát tình hình sản xuất rau tại huyện Cần Giuộc

Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có chuyển biến tích cực về ƯDCNC trong một số lĩnh vực và tạo ra hiệu quả về năng suất, chất lượng; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nhất là các mô hình sản xuất lúa, rau và nuôi tôm ƯDCNC. Ông Nguyễn Văn Bền (ấp 4, xã Long Khê, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) đang trồng 0,3ha rau ƯDCNC bộc bạch: “Nhờ cây rau mà đời sống người dân được nâng cao. Thông qua các hợp tác xã (HTX), người dân có kế hoạch sản xuất cụ thể và an tâm về đầu ra. Hiện nay, nhiều hộ dân mạnh dạn xây dựng nhà lưới, nhà màng, ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng rau”.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương, hiện toàn huyện có khoảng 700ha rau màu, trong đó, có trên 300ha rau ƯDCNC. Bên cạnh tập trung phát triển vùng sản xuất rau sạch, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp các địa phương khuyến khích người nuôi tôm đẩy mạnh ƯDCNC vào sản xuất để chuyển dần từ nuôi tôm theo kiểu truyền thống sang nuôi theo hướng bán công nghiệp và công nghiệp, qua đó, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Huyện Cần Giuộc tập trung phát triển vùng trồng rau ƯDCNC theo quy hoạch nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Đến nay, toàn huyện có trên 1.000ha rau ƯDCNC. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc cho biết: “Nhờ chú trọng công tác phối hợp các sở, ngành trong xây dựng nhãn hiệu tập thể cho nông sản, tập huấn kỹ thuật canh tác an toàn, theo quy trình VietGAP cho các hộ sản xuất nên các sản phẩm rau của huyện đã dần xây dựng được thương hiệu. Thu nhập của nông dân tăng đáng kể. Nông sản của huyện được tiêu thụ rộng rãi, góp phần phát triển KT-XH cũng như mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân”.

Hướng đến phát triển nông nghiệp xanh

Hiện nay, nhiều địa phương, HTX mạnh dạn ƯDCNC vào sản xuất và từng bước chuyển hướng sang sản xuất xanh, thân thiện với môi trường. Điển hình như mô hình canh tác lúa sử dụng phân bón hữu cơ của HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm (huyện Vĩnh Hưng); trồng khổ qua, dưa leo, mướp theo hướng an toàn sinh học của HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa); trồng rau an toàn của HTX Rau an toàn Mười Hai (huyện Cần Đước);... Bên cạnh đó, một số mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX và nông dân đạt hiệu quả kinh tế cao gắn với đổi mới tổ chức sản xuất theo chuỗi từ khâu sản xuất đến khâu bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, Giám đốc HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm - Bùi Văn Tuấn chia sẻ: “Sản xuất nông nghiệp tập trung và ứng dụng công nghệ tiên tiến mang lại hiệu quả cao gấp nhiều lần so với canh tác truyền thống, bởi nhu cầu sử dụng các sản phẩm sạch, hữu cơ ngày càng tăng cao trong khi nguồn cung ứng chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Do vậy, việc liên kết, mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ là xu hướng tất yếu”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: Để chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp thì phải có vùng sản xuất nguyên liệu đủ lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn của thế giới, có mã số vùng trồng, vùng nuôi để quản lý, truy xuất nguồn gốc và chế biến chuyên sâu, nâng cao giá trị.

Tập trung cấp mã số vùng trồng để tăng khả năng truy xuất nguồn gốc và nâng cao giá trị cho nông sản của tỉnh

“Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung phối hợp các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nông dân hiểu rõ trong thời kỳ hội nhập, họ phải là nông dân thời đại 4.0 dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư để áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận thị trường nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản.

Đồng thời, tập trung đổi mới tư duy và mô hình tăng trưởng nông nghiệp theo hướng từ bỏ mô hình nông nghiệp gia công sang sản xuất theo đơn đặt hàng, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ƯDCNC và công nghệ chế biến nông sản tiên tiến, hiện đại vào sản xuất.

Bên cạnh đó, ngành tiếp tục triển khai, thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển những sản phẩm, ngành hàng mang tính đặc thù, truyền thống của địa phương để phát triển mô hình kinh tế nông thôn của tỉnh.

Ngoài ra, ngành tiếp tục xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao, rau sạch, tôm sạch,... mang thương hiệu của tỉnh; đẩy mạnh công tác cấp mã vùng trồng, vùng nuôi cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh” - ông Nguyễn Thanh Truyền thông tin thêm./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích