Gần đây, trên mạng xã hội, các đối tượng lại tung chiêu lừa đảo mới là giả mạo luật sư hỗ trợ nạn nhân bị lừa đảo lấy lại tiền bị lừa với chi phí “theo phần trăm giá trị tài sản bị lừa”. Đây là thủ đoạn mới của các đối tượng nhắm vào những người từng bị lừa đảo, đánh vào tâm lý tuyệt vọng, hoang mang của nạn nhân bị mất tiền với mong muốn nhanh chóng lấy lại số tiền đã mất.
Một fanpage tự quảng cáo là “Công ty luật sư - Hỗ trợ, thu hồi tiền bị lừa qua mạng”
Để thực hiện chiêu lừa này, các đối tượng lập fanpage và hội, nhóm trên Facebook để thu hút những nạn nhân bị lừa đảo tham gia. Các đối tượng tự xưng là luật sư, chuyên gia tài chính và cam kết hỗ trợ lấy lại tiền cho những người đã bị lừa trước đó. Kẻ lừa đảo tung thêm các chiêu trò nhằm tạo lòng tin của khách hàng bằng các dịch vụ thành công trước đó (tất nhiên là tin giả), sử dụng hình ảnh mạo danh các văn phòng luật sư uy tín và chạy quảng cáo trên không gian mạng với các nội dung như “Thu hồi tiền treo trên không gian mạng, nhận hỗ trợ lấy lại tiền cho những ai đã tham gia qua các sàn thương mại online. Làm nhiệm vụ, Shopee, Tiki, Lazada, thời trang, tuyển mẫu nhí, thu âm,... cam kết lấy lại được ít nhất 80% số vốn ban đầu...”.
Sau khi có được “khách hàng”, nhóm lừa đảo sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, tình trạng, hoàn cảnh và số tiền bị lừa. Nhóm này cũng tự nhận là sở hữu hệ thống chuyên dùng, có khả năng quét được toàn bộ dữ liệu của tất cả nền tảng lừa đảo. Sau đó, chúng sẽ làm giả một hình ảnh với thông tin bao gồm họ, tên của nạn nhân, số tiền bị lừa và thông tin ngân hàng (trên thực tế, đây đều là những thông tin do nạn nhân cung cấp trước đó).
Để lấy lại số tiền bị lừa, nạn nhân sẽ được yêu cầu chuyển khoản thêm 2-5 triệu đồng vào “hệ thống” với lý do “cần xác minh thông tin ngân hàng”. Thấy số tiền này chỉ là một phần nhỏ so với số tiền đã bị mất nên nhiều người nhẹ dạ cả tin chuyển tiền. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, nạn nhân bị khóa chặn liên lạc, số tiền bị mất lần một không những không lấy lại được mà số tiền chuyển cho các đối tượng tiếp tục "ra đi không trở lại".
Ngoài số tiền bị lừa lần 2, nạn nhân còn bị lộ lọt thông tin cá nhân về họ tên, số tài khoản ngân hàng, số căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ email,... Từ đó, tạo điều kiện cho các đối tượng thực hiện các hành vi lừa đảo tiếp theo.
Để tránh bị lừa đảo, người dân cần đề cao cảnh giác, kiểm tra, xác minh kỹ thông tin trên các trang mạng xã hội và không chuyển tiền cho bất cứ ai, vì bất cứ lý do gì nếu chưa xác nhận chính xác người nhận tiền là ai, ở đâu; tuyệt đối không nghe theo hướng dẫn của bất cứ đối tượng nào mạo danh có thể lấy lại tiền giúp nạn nhân mà phải chuyển phí trước.
Khi tìm kiếm dịch vụ pháp lý của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư trên môi trường mạng, người dân nên tìm kiếm những website chính thống của tổ chức hành nghề luật sư, liên hệ xác thực thông tin luật sư để được cung cấp các thông tin đầy đủ. Nếu có điều kiện đi lại, cần đến trực tiếp văn phòng để được tư vấn và chỉ chuyển phí thù lao trên cơ sở ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa khách hàng và tổ chức hành nghề luật sư. Trường hợp ở xa không có điều kiện đến gặp để được tư vấn trực tiếp thì có thể nhờ người quen, bạn bè ở khu vực đó kiểm tra thông tin về tổ chức hành nghề luật sư để có thông tin đầy đủ, chính xác về luật sư và tổ chức hành nghề luật sư.
Việc mất tiền khi bị lừa đảo qua mạng và tìm đến dịch vụ pháp lý của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư khi bị lừa đảo qua mạng chỉ là tham vấn, tư vấn giải pháp và được hướng dẫn đến cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc, tư vấn về trình tự tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm. Luật sư không có khả năng thu hồi tiền bị lừa đảo qua mạng - đây là thông tin người dân nên biết./.
Trung Dũng