Tiếng Việt | English

05/06/2024 - 11:55

Tội phạm lừa đảo công nghệ cao diễn biến phức tạp  

Từ tháng 12/2022 đến tháng 3/2024, trên địa bàn tỉnh Long An xảy ra 23 vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Thông tin từ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự trên địa bàn tỉnh, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đạt nhiều kết quả góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo qua mạng ngày càng phổ biến và tinh vi gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.

Tình hình tội phạm lừa đảo công nghệ cao diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng (Hình minh họa)

Theo thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, từ tháng 12/2022 đến tháng 3/2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 23 vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan điều tra đã khởi tố 16 vụ. Trong đó, có 11 vụ về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội và 4 vụ tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174, Điều 290 Bộ luật Hình sự. 

Theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, trong quá trình thực hiện tội phạm, các đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện, lợi dụng các chương trình phần mềm kết nối internet có những lỗ hổng bảo mật, đối tượng phạm tội khai thác các lỗ hổng bảo mật này để thực hiện các hành vi phạm tội.

Mặt khác, trình độ nhận thức của một số người dân khi đăng nhập sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng thông tin đối với việc bảo đảm an toàn cho thiết bị và hệ thống thông tin còn thấp, dẫn đến thiếu thông tin, không cảnh giác với các đối tượng phạm tội, thiếu hiểu biết về pháp luật, nhẹ dạ cả tin, tin tưởng vào các đối tượng, sợ hãi lo lắng khi bị các đối tượng hăm dọa, dụ dỗ, uy hiếp tinh thần nên chuyển tiền cho các đối tượng,… đến khi bị mất tài sản mới biết bị lừa đảo.

Quá trình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, cư trú nhằm đối phó với công tác phòng ngừa, xử lý của cơ quan chức năng./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết