Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và Long An nói riêng năm nay chịu tác động rất lớn của hạn, xâm nhập mặn, gây ra tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hạn, mặn ảnh hưởng sâu vào nội đồng gây thiệt hại lớn đến ruộng lúa, vườn cây ăn trái, ao nuôi trồng thủy sản do thiếu nước ngọt và độ mặn tăng cao từng ngày.
Nhằm giảm thiệt hại do hạn, mặn, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng cùng các địa phương đã theo dõi sát tình hình để chỉ đạo, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các biện pháp cấp bách phòng, chống, ứng phó hạn, xâm nhập mặn như đắp đập tạm ngăn mặn, nạo vét kênh, mương, lắp đặt các máy bơm dã chiến,… trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tạm thời. Bởi nguyên nhân chính là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt do tác động của các đập thủy điện từ thượng nguồn sông Mê Kông khiến khu vực ĐBSCL “khát” nước vào mùa khô.
Để có hướng phát triển lâu dài, đạt hiệu quả cao, trước hết cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học nhằm cơ cấu lại mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi có giá trị về kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường như thủy sản, trồng lúa cao sản,… thích ứng với hạn, mặn. Song song đó cũng cần triển khai nhiều biện pháp, công trình như xây dựng cống, đập, kênh, mương,.…Được như vậy, chúng ta sẽ khắc phục được tình trạng nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng và tạo cơ hội cho người nông dân làm giàu trên mảnh đất quê hương./.
Thùy Linh