Chúng tôi quen nhau từ những ngày cùng học đại học. Từ lúc mới quen, bạn bè đã “cảnh báo” tôi về con trai làm báo, nào là có cơ hội tiếp xúc với nhiều người nên dễ lăng nhăng, công việc “rày đây mai đó”, ít phụ giúp được vợ con; nào là lấy chồng nhà báo vất vả lắm, tối tối, thay vì ngủ với vợ con lại "ôm" máy tính viết bài... Vậy mà chúng tôi vẫn yêu nhau, gắn bó với nhau suốt quãng đời sinh viên. Ra trường, tôi làm phiên dịch tại một công ty nước ngoài, anh xin được “chân” cộng tác viên tại một tờ báo lớn. Từ ngày anh làm báo, tôi mới cảm nhận hết những vất vả của nghề và phải thật sự có niềm đam mê mới có thể dấn thân và gắn bó với nghề báo. Ban đầu là những bài phản ánh, sau đó anh dần tập làm quen với thể loại điều tra, theo học tập kinh nghiệm của những người đi trước. Đây có lẽ là bước ngoặt và là lý do chính để anh gắn bó với nghề sau khi được nhận làm phóng viên chính thức. Theo đuổi những bài điều tra, thời gian anh dành cho gia đình ít hơn. Có khi cả tuần anh chưa về nhà vì còn bận thu thập tư liệu ở những nơi xa. Rong ruổi trên những chặng đường, hành trang anh mang theo là lòng nhiệt huyết và niềm đam mê. Tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc ánh lên trong đôi mắt anh khi bài báo được đăng, cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết rốt ráo vấn đề.
Làm vợ nhà báo, tôi quá quen với những cuộc gọi lúc nửa đêm. Có khi cả nhà đang ngon giấc, nhận được cuộc điện thoại nơi nào đó xảy ra hỏa hoạn hay sự việc cần có người đưa tin, anh lại khoác ba lô lên đường. Rồi những hôm, sáng mẹ con tôi chuẩn bị đi làm, đi học thì thấy anh ngủ gục trên bàn làm việc. Có lẽ, đêm qua anh đã thức trắng đêm để hoàn thành bài viết.
Mỗi người đều có quyền chọn riêng cho mình một cái nghề để được sống trọn vẹn với niềm đam mê và anh đã chọn nghề báo, một trong những nghề vinh quang nhưng không kém phần nguy hiểm. Vượt qua những khó khăn, những người làm báo luôn tự hào là “chiến sĩ” trên mặt trận tư tưởng, mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác, kịp thời./.
Khắc Thanh