Gần đây, qua các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em được đăng tải, phơi bày, gây bức xúc trong dư luận. Thực trạng đó đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của chính quyền, cộng đồng xã hội.
Trẻ em vốn còn non nớt về thể chất và trí tuệ, nếu thiếu sự quan tâm, giám sát của người thân thì dễ có nguy cơ bị xâm hại tình dục. Khi bị xâm hại, nạn nhân phải chịu nỗi đau dai dẳng về thể chất lẫn tinh thần.
Hiện nay, môi trường sống của các em chưa được an toàn, dễ trở thành nạn nhân của các loại tệ nạn xã hội,... Vì mưu sinh, nhiều bậc cha mẹ chủ quan, thiếu quan tâm đến con trẻ. Để phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, trước hết, phải xây dựng một cộng đồng an toàn, văn hóa, mọi người biết quan tâm nhau, thương yêu trẻ em, đấu tranh với cái xấu, cái ác. Chính quyền, đoàn thể, nhất là tổ chức Đoàn, hội thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là pháp luật liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; thực hiện tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, kiên quyết xử lý các loại tệ nạn xã hội; đồng thời tăng cường xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới và đô thị văn minh. Khi xảy ra các vụ việc xâm hại trẻ em phải kịp thời, kiên quyết xử lý các “yêu râu xanh”; động viên, giúp đỡ gia đình bị hại.
Trong trường học, tùy lứa tuổi mà có nội dung, hình thức giáo dục giới tính, kỹ năng sống phù hợp; cung cấp kiến thức, kỹ năng để các em biết tự bảo vệ mình, nhất là với các bé gái. Với độ tuổi thanh, thiếu niên, cần giúp các em nhận thức đúng về tình bạn, tình yêu tuổi học trò, sức khỏe sinh sản vị thành niên; thường xuyên nhắc nhở các em tránh xa những hiểm họa: Văn hóa phẩm độc hại, web đen, những người lạ mặt có biểu hiện đáng nghi,...
Đặc biệt, gia đình là môi trường quan trọng nhất để bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Cha mẹ thường xuyên quan tâm, dạy bảo các em những kiến thức, kỹ năng để bảo vệ mình và phòng vệ khi bị kẻ xấu tấn công, xâm hại; luôn gần gũi, lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của trẻ để kịp thời động viên, định hướng. Cha mẹ không được chủ quan giao người khác quản lý, giữ hộ con mình; thường xuyên giám sát hợp lý thời gian học tập, vui chơi, các mối quan hệ của con trẻ, việc sử dụng điện thoại, Internet; không cho trẻ em đi chơi xa nhà, chỗ vắng vẻ, với người lạ,... Khi có biểu hiện nghi ngờ, kịp thời báo chính quyền. Khi xảy ra tình huống xấu, tuyệt đối không được thỏa thuận riêng với kẻ xấu vì xâm hại tình dục trẻ em là tội ác.
Trẻ em là mầm non của đất nước, do vậy, phải quan tâm bảo vệ, thực hiện các quyền trẻ em, trong đó, phòng ngừa trẻ em bị xâm hại tình dục là hết sức quan trọng bởi hậu quả để lại thường rất nặng nề./.
Kim Quy