Tiếng Việt | English

03/10/2022 - 14:57

Xăng dầu giảm lần thứ 4 liên tiếp, xăng RON95 về mức 21.440 đồng/lít

Giá xăng dầu được chính thức điều chỉnh giảm trong kỳ điều hành ngày 3-10, ghi nhận phiên giảm thứ 4 liên tiếp nhưng đang tạo nhiều áp lực lớn đến giới kinh doanh xăng dầu.

Giá xăng dầu được điều chỉnh giảm lần thứ 4 liên tiếp - Ảnh: T.Tr.

Theo thông tin từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, trong phiên điều hành ngày 3/10, giá các mặt hàng xăng dầu tiếp tục đồng loạt giảm từ 15h chiều nay - giảm lần thứ 4 liên tiếp trong thời gian gần đây.

Cụ thể, với vùng 1, giá xăng RON95 được điều chỉnh giảm 1.140 đồng/lít, về mức 21.440 đồng/lít. 

Giá xăng E5RON92 giảm thêm 1.050 đồng/lít, về mức 20.730 đồng/lít. 

Các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh giảm. Cụ thể, dầu diesel 0.05S giảm 330 đồng/lít, về mức 22.200 đồng/lít. 

Để có mức giá như trên, cơ quan điều hành quyết định thực hiện dừng chi sử dụng quỹ bình ổn tất cả các mặt hàng. Tuy nhiên, trích lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 451 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 600 đồng/lít, dầu diesel ở mức 300 đồng/lít. 

Giá xăng dầu liên tiếp giảm là tin vui với người dân trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang trên đà phục hồi tích cực, giúp cho giá nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất, kinh doanh và dịch vụ giảm theo. Tuy nhiên, với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thì việc giá giảm liên tiếp càng tạo áp lực rất lớn cho hoạt động kinh doanh.

Thực tế, mặc dù Bộ Công Thương khẳng định đảm bảo nguồn cung, tạm dừng áp dụng xử phạt rút phép với 5 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phía Nam, nhưng tình trạng đóng cửa, nghỉ bán của nhiều cửa hàng, đại lý xăng dầu vẫn diễn ra. Doanh nghiệp cho hay tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung và mức chiết khấu nhận được quá thấp từ các đại lý.

Trong khi đó, các thương nhân đầu mối cho biết biến động giá trên thị trường diễn ra liên tục, tăng giảm thất thường với biên độ lớn, trong khi nhiều chi phí chưa được tính đúng, tính đủ vào cơ cấu giá bán xăng dầu, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong đảm bảo nguồn và chia sẻ lợi nhuận với hệ thống phân phối.

Nhiều doanh nghiệp cho biết nếu tình trạng này kéo dài thêm 1-2 tháng tới thì nhiều cửa hàng bán lẻ có thể phải đóng cửa đồng loạt do không đủ bù chi phí và đứt gãy trong chuỗi cung ứng xăng dầu./.

Theo TTO

Chia sẻ bài viết