Tiếng Việt | English

20/09/2023 - 14:49

Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch tỉnh Long An thông qua việc xác lập, quản lý các quyền sở hữu trí tuệ  

Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa tổ chức hội nghị tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh năm 2023 về “Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch tỉnh Long An thông qua việc xác lập, quản lý các quyền sở hữu trí tuệ”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa dự và chỉ đạo hội nghị.

Đại biểu tham gia hội nghị tuyển chọn

Nhiệm vụ khoa học “Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch tỉnh Long An thông qua việc xác lập, quản lý các quyền sở hữu trí tuệ” thuộc Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.

Đề tài do Sở KH&CN quản lý, Trường Đại học Hoa Sen là đơn vị đăng ký chủ trì thực hiện; thời gian thực hiện trong 24 tháng (từ tháng 9/2023 đến tháng 9/2025); dự kiến, kinh phí thực hiện trên 2,7 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh.

Về vị trí địa lý, Long An có vị trí là “cửa ngõ” của các tỉnh miền Tây về TP.HCM, kết nối với miền Đông, lại nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Long An cũng nằm trên tuyến du lịch quốc gia TP.HCM - Đồng bằng sông Cửu Long và tuyến du lịch xuyên Á, kết nối với Campuchia qua các cửa khẩu trên địa bàn. Do đó, Long An có một vị thế chiến lược rất quan trọng trong giao thương và du lịch.

Ngoài ra, việc nâng cấp Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp tạo ra cơ hội đón khách du lịch đến Việt Nam qua cửa khẩu đường bộ với Campuchia. Đây là một lợi thế quan trọng trong hoạt động phát triển du lịch của Long An. Hiện nay, bộ nhận diện thương hiệu du lịch Long An đang được triển khai, thực hiện, dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Bộ nhận diện được xây dựng nhằm quảng bá hình ảnh, nét đặc trưng sản phẩm du lịch của tỉnh, qua đó thúc đẩy ngành Du lịch tỉnh nhà phát triển.

 Về thực trạng du lịch Long An, khi nhắc đến hầu như du khách không biết đến điểm gì đặc biệt. Long An chỉ được biết đến là điểm dừng chân trong hành trình của du khách, do đó trong tương lai, Long An cần xác định định vị thương hiệu điểm đến du lịch của mình rõ ràng cũng như có nhiều công tác truyền thông, quảng bá để du khách trong nước và cả ngoài nước biết đến về địa danh du lịch Long An với những nét đặc trưng khác biệt.

Kỳ vọng, sau khi đề tài khoa học này triển khai nhiệm vụ, thực trạng kinh doanh du lịch và phát triển thương hiệu du lịch Long An sẽ được thống kê, nắm bắt, từ đó giúp cho cơ quan quản lý đề ra các chính sách phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Một khi nhãn hiệu chứng nhận “Du lịch Long An” được đăng ký và bảo hộ thành công, chủ thể sản xuất và kinh doanh du lịch ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút nhiều khách du lịch hơn

Một khi nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) “Du lịch Long An” được đăng ký và bảo hộ thành công, chủ thể sản xuất, kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Long An được sử dụng hợp pháp NHCN. Đồng thời, các chủ thể tham gia mô hình quản lý NHCN có thể tận dụng các lợi thế của NHCN này trong việc nâng cao uy tín, danh tiếng, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm và điều kiện cung cấp dịch vụ, từ đó giúp ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút nhiều khách du lịch hơn.

Khi tham gia nhiệm vụ khoa học này, các đơn vị tham gia thí điểm được sử dụng NHCN và hỗ trợ tư vấn về việc thiết kế, áp dụng hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm để từng bước hướng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh chuyên nghiệp, giúp cho sản phẩm du lịch có thể đến gần hơn với du khách, tăng khả năng tiếp cận thị trường thông qua việc tham gia các sự kiện kết nối thương mại; được hỗ trợ tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch.

Thông tin từ Sở KH&CN, kết quả của nhiệm vụ khoa học này sẽ là một bộ sản phẩm bao gồm các báo cáo điều tra, khảo sát thực trạng; giấy chứng nhận đăng ký NHCN và giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với biểu trưng du lịch tỉnh Long An; hệ thống nhận diện thương hiệu du lịch Long An; bảng đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch tỉnh Long. Đối tượng hưởng lợi chính là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa, căn cứ vào các luận cứ khoa học và thực tiễn, nhu cầu của thị trường và các điều kiện KT-XH của địa phương, đề tài khoa học này có tính khả thi để ứng dụng vào thực tiễn, phát huy giá trị thực tế. Vì vậy, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị có liên quan tham gia hỗ trợ, hợp tác, tư vấn, ủng hộ những hoạt động của nhiệm vụ, tạo điều kiện để đơn vị chủ trì triển khai thành công nhiệm vụ./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết