Tiếng Việt | English

21/03/2022 - 13:40

Xây dựng và duy trì 2.000ha rau ứng dụng công nghệ cao

Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho nông dân, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất rau màu. Những kết quả tích cực từ cách làm này đã tạo tiền đề quan trọng cho ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục hỗ trợ để nông dân duy trì và mở rộng diện tích rau ƯDCNC.

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát tình hình sản xuất rau tại huyện Cần Giuộc

Nhiều kết quả khả quan

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là hạn, xâm nhập mặn. Do đó, để phát triển ổn định và hiệu quả, người dân cần nhanh chóng thay đổi công nghệ, phương thức sản xuất để bảo đảm năng suất cây trồng. Trong đó, rau màu là một trong những đối tượng cây trồng được chọn để áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Phước Hòa (huyện Cần Đước) - Kiều Anh Dũng cho biết, trước đây, nông dân sản xuất rau chủ yếu theo phương pháp truyền thống, canh tác các giống rau màu có năng suất và chất lượng thấp. Nhờ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, ngành, những năm gần đây, HTX đã mở rộng quy mô sản xuất và phát triển thêm rau hữu cơ để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

“Hiện nay, mặt hàng chủ lực của HTX vẫn là các loại rau ăn lá, rau thủy canh. Tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng mà HTX sẽ lên lịch sản xuất cho phù hợp. Đối với các diện tích rau hữu cơ, toàn bộ các giai đoạn từ gieo hạt đến thu hoạch đều được kiểm soát một cách chặt chẽ và khép kín nhằm bảo đảm giá trị dinh dưỡng và năng suất tối ưu. Với phương châm sản xuất rau hữu cơ an toàn, HTX không sử dụng các loại phân bón, thuốc hóa học mà sử dụng phân vi sinh, thuốc phòng trừ sâu, bệnh hại có nguồn gốc hữu cơ, an toàn cho cây trồng và người sử dụng” - ông Dũng cho biết thêm.

Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai (huyện Cần Đước) - Lê Văn Giấy chia sẻ: “Trung bình mỗi ngày, HTX tiêu thụ khoảng 1 - 2 tấn rau an toàn và 400 - 500kg rau hữu cơ. Hiện nay, HTX ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm an toàn, cung cấp thực phẩm sạch cho một số cơ sở giáo dục, siêu thị, cửa hàng tiện ích,... trên địa bàn tỉnh và TP.HCM. Nhờ sự cẩn thận, chu đáo, đặt chất lượng sản phẩm lên trên hết, mô hình trồng rau hữu cơ của HTX được các đơn vị kinh doanh biết đến và chủ động liên hệ để ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm”.

Những năm gần đây, huyện Cần Giuộc tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng ƯDCNC, bền vững, an toàn thực phẩm; phát triển vùng trồng rau ƯDCNC theo quy hoạch nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Đến nay, toàn huyện có trên 1.700ha rau, trong đó có trên 1.130ha rau ƯDCNC.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc cho biết: “Ngoài khuyến khích xây dựng các mô hình trồng rau ƯDCNC toàn phần, khép kín, huyện còn vận động nông dân, HTX áp dụng công nghệ từng phần như tưới tiết kiệm; sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu, bệnh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm giúp người dân tiếp cận và hiểu được lợi ích của việc ƯDCNC vào sản xuất rau. Qua đó, giúp phát triển diện tích sản xuất rau ƯDCNC và nâng cao thu nhập cho nông dân”.

Cần tiếp tục đồng hành, hỗ trợ

Theo nhiều nông dân trồng rau, khó khăn nhất trong quá trình ƯDCNC vào sản xuất chính là nguồn vốn bởi để đầu tư trang thiết bị, máy móc, hệ thống tưới nước tự động, hệ thống quản lý qua Internet,… cần có nguồn vốn lớn. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết cũng tác động rất lớn đến việc sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Đào Hữu Tấn cho biết: ƯDCNC vào sản xuất rau là xu hướng tất yếu. Với nhu cầu của thị trường, sản phẩm rau sạch, rau an toàn được người tiêu dùng ưa chuộng. Để hỗ trợ các mô hình sản xuất rau an toàn ƯDCNC trên địa bàn, UBND huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia HTX, tổ hợp tác để phát triển vùng chuyên canh rau an toàn.

“Hàng năm, huyện tổ chức nạo vét kênh, mương thủy lợi nội đồng, khơi thông dòng chảy bảo đảm việc tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, huyện phối hợp các sở, ngành liên quan mở các lớp tập huấn tuyên truyền áp dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác, nâng cao trình độ sản xuất kết hợp bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường” - ông Tấn cho biết thêm.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện thông tin: “ƯDCNC trong sản xuất rau màu trên địa bàn tỉnh bước đầu đã tạo nguồn nông sản hàng hóa sạch, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Thời gian tới, để mở rộng diện tích rau ƯDCNC, Sở tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất nông nghiệp ƯDCNC; tập trung nguồn kinh phí khuyến nông để hỗ trợ xây dựng và phát triển các mô hình tiến bộ kỹ thuật mới. Đồng thời, Sở sẽ kết nối và khuyến khích doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác liên kết xây dựng các chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, đầu tư xây dựng cơ sở chế biến rau tại địa phương để nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người dân”./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết