Tiếng Việt | English

16/12/2023 - 08:30

Xây dựng văn hóa 'đã uống rượu, bia thì không lái xe'

Là địa bàn tiếp giáp TP.HCM, cửa ngõ miền Tây Nam bộ, có đông công nhân lưu trú nên lượng người và phương tiện lưu thông trên địa bàn tỉnh Long An rất lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT). Cùng với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả đang thực hiện trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), việc xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn đang được thực hiện nghiêm túc, liên tục.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện

Vi phạm nồng độ cồn khi lái xe ngày càng giảm

Thực hiện các kế hoạch, hướng dẫn và chỉ đạo của cấp trên, tỉnh chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT. Trong đó, việc xử lý nồng độ cồn được thực hiện nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Việc xử lý được duy trì thực hiện thường xuyên, liên tục, không chỉ tập trung vào các đợt cao điểm.

Tại hội nghị về công tác bảo đảm TTATGT gần đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh - Nguyễn Minh Lâm nhấn mạnh đến sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm TTATGT.

Trong thực hiện phải có kế hoạch và giải pháp cụ thể. Những địa bàn, khu vực xảy ra TNGT tăng, nhiều thì phải đánh giá rõ nguyên nhân và nhanh chóng có giải pháp khắc phục.

Đặc biệt, kiên quyết xử lý nghiêm đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn, bảo đảm thượng tôn pháp luật và nghiêm cấm các hành vi can thiệp.

Trong khi đó, Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 19/4/2023 về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới có nêu: “Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức”.

Vì vậy, với trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh nếu có hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ngoài xử lý vi phạm hành chính theo quy định, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) còn gửi thông báo về đơn vị công tác, nơi làm việc để kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị nơi công tác.

Qua thời gian “mạnh tay”, quyết liệt xử lý hành vi vi phạm về nồng độ cồn đã tác động rất lớn đến ý thức của người tham gia giao thông. “Nếu như trước đây, sau khi uống rượu, bia, tôi vẫn lái xe gắn máy chạy về nhà thì thời gian gần đây, tôi tuyệt đối chấp hành “đã uống rượu, bia thì không lái xe” - anh Nguyễn Văn Lâm (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) cho biết.

Thông tin từ Phòng CSGT Công an tỉnh, hiện nay, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn đã giảm sâu; số người điều khiển phương tiện vi phạm lỗi này ngày càng giảm qua thời gian.

Đơn cử, chiều tối ngày 10/12/2023, qua ghi nhận tại Chốt kiểm soát nồng độ cồn của Đội CSGT, Công an TP.Tân An trong khoảng 2 giờ, tất cả những trường hợp mà CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra tình cờ về nồng độ cồn đều không có ai vi phạm.

Đồng bộ nhiều giải pháp

“Việc đẩy mạnh kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe góp phần quan trọng nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông và trong nỗ lực thực hiện kiềm chế, kéo giảm TNGT, bảo vệ an toàn tính mạng của con người” - Đại tá Trần Văn Hà - Phó Giám đốc Công an tỉnh, nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Lan (phường 2, TP.Tân An) cho rằng: “Việc điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ TNGT nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề, thương tâm. Vì vậy, việc “mạnh tay”, tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe là rất tốt.

Thời gian gần đây, khi vào chiều, tối, chạy xe máy ra đường, tôi phần nào an tâm hơn bởi rất ít gặp những trường hợp say xỉn lái xe chạy lấn làn, tốc độ nhanh, đánh võng”.

Bên cạnh sự chuyển biến rõ nét, còn những người vẫn cố tình vi phạm, điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia; có những người khi vi phạm thì đối phó, tìm cách né tránh CSGT; có những trường hợp vi phạm biện minh hoặc đưa ra những lý do nhà gần, uống ít, tiếp khách,...

Thời gian qua, lực lượng CSGT cũng phát hiện một số trường hợp vi phạm 2, 3 lần đối với hành vi lái xe khi đã uống rượu, bia.

Để tạo chuyển biến căn cơ trong nhận thức và việc chấp hành trở thành trách nhiệm, ý thức tự giác, thói quen, đưa văn hóa “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” vào đời sống, các cấp, các ngành triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp.

Theo Đại tá Trần Văn Hà, thời gian tới, ngoài tuần tra, xử lý nghiêm vi phạm, công an các đơn vị, địa phương sẽ tăng cường phối hợp các cấp, các ngành, đoàn thể vận động các chủ nhà hàng, quán ăn nhắc nhở khách hàng không điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu, bia; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, các phần mềm trên nền tảng công nghệ số, ưu tiên kỹ thuật công nghệ, hệ thống giao thông thông minh, hiện đại hóa công tác bảo đảm TTATGT, nhất là hệ thống giám sát, phát hiện vi phạm TTATGT; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về ATGT bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng được tuyên truyền.

“Mặt khác, công an phối hợp các cấp, các ngành, đoàn thể tiếp tục duy trì, xây dựng các mô hình bảo đảm TTATGT hiệu quả như Gắn trách nhiệm của chủ kinh doanh nhà hàng, quán ăn với công tác bảo đảm an toàn giao thông; Cổng trường ATGT; Tăng, ni, phật tử tham gia giao thông văn hóa - an toàn; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trong đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động,...” - Đại tá Trần Văn Hà thông tin thêm./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết