Tiếng Việt | English

23/06/2022 - 15:15

‘Đã uống rượu, bia thì không lái xe’

Thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, thương tâm mà nguyên nhân xuất phát từ những lái xe không làm chủ tốc độ do uống bia, rượu.

Lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm lĩnh vực giao thông đường bộ

Lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm lĩnh vực giao thông đường bộ

Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020 đã tăng mức xử phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe tham gia giao thông. Theo quy định, đã uống rượu, bia mà điều khiển phương tiện tham gia giao thông là đều vi phạm và bị xử phạt, không kể uống nhiều hay ít.

Thế nhưng, trong thực tế, tại địa bàn tỉnh vẫn có nhiều trường hợp đã uống rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ghi nhận tại các quán nhậu, nhà hàng trên địa bàn tỉnh cho thấy, tình trạng người dân đã uống rượu, bia vẫn lái xe còn khá phổ biến. Theo quan sát, rất ít thực khách sau khi uống bia, rượu có ý thức gọi taxi, xe honda ôm hay gọi người nhà đến đón về mà chủ yếu vẫn tự điều khiển xe máy, ôtô.

Để kéo giảm tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đã ban hành kế hoạch tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”. Kế hoạch này thực hiện trong cả nước, từ tháng 3 đến hết năm 2022.

Thực hiện kế hoạch này và chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, thời gian qua, lực lượng CSGT trên toàn tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm. Trong đó, đặc biệt chú trọng kiểm soát tại các tuyến, địa bàn giáp ranh; khu vực bến xe, bến cảng, kho bãi; khu vực có nhiều tụ điểm, dịch vụ ăn uống, quán bar, vũ trường, nhà hàng, khu vực phức tạp về an ninh, trật tự,...

Mặt khác, các cấp, các ngành, đoàn thể chủ động phối hợp các cơ quan truyền thông tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, lên án hành vi sử dụng chất ma túy, rượu, bia và các chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông bằng nhiều hình thức khác nhau. Qua đó, nhằm tạo sự chuyển biến, nêu cao ý thức của người tham gia giao thông và truyền tải thông điệp “đã uống rượu, bia thì không lái xe”./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích