Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Phạm Tấn Hòa khẳng định: Không đưa người lao động đi xuất khẩu lao động bằng mọi giá, phải đặt chất lượng, uy tín lên hàng đầu
Từ năm 2011 - 2019, Long An có 1.214 người tham gia XKLĐ tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,... Số lượng này còn rất ít so với tiềm năng của tỉnh, trong khi đó, lao động có nhu cầu XKLĐ rất lớn, thị trường XKLĐ đa dạng. Nguyên nhân do trình độ tay nghề, ngoại ngữ của người lao động còn thấp, chưa đáp ứng được thị trường lao động có yêu cầu cao; các cấp, các ngành chưa quan tâm đến công tác XKLĐ; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật XKLĐ còn hạn chế,... Hơn hết, tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người lao động tham gia XKLĐ.
Xuất phát từ nguyên nhân trên, việc xây dựng và triển khai Đề án XKLĐ tỉnh Long An giai đoạn 2020 - 2025 là rất cần thiết, nhằm hỗ trợ kinh phí cho người có nhu cầu XKLĐ, góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo ra nguồn lao động có tay nghề cao. Mục tiêu của đề án, từ năm 2021 - 2025, mỗi năm, tỉnh phấn đấu đưa 1.000 lao động trở lên tham gia XKLĐ. Riêng năm 2020, tỉnh đưa 500 người tham gia XKLĐ.
Đại biểu tham gia hội nghị
Theo Đề án XKLĐ, người lao động tham gia XKLĐ thuộc 2 nhóm đối tượng sau đây được hỗ trợ vay vốn: Nhóm 1, người lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân với người có công với cách mạng; nhóm 2, người lao động là bộ đội, công an phục viên, xuất ngũ và người lao động thuộc hộ khó khăn về kinh tế được UBND cấp xã bình xét và xác nhận.
Mức cho vay tối đa bằng 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng không vượt quá 150 triệu đồng. Lãi suất cho vay đối với nhóm 1 bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định từng thời kỳ; lãi suất cho vay nhóm 2 bằng 130% lãi suất cho vay đối với đối tượng nhóm 1. Thời hạn cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không vượt quá thời hạn làm việc ở nước ngoài của người lao động ghi trong hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo Đề án, tỉnh chọn được 12 doanh nghiệp, công ty tham gia đề án XKLĐ: Công ty TNHH Esuhai (phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM), Công ty Cổ phần XKLĐ Tracodi (quận 1, TP.HCM), Công ty TNHH Nhân Lực Mirai (quận 7, TP.HCM),... Hiện nay, các công ty, doanh nghiệp này có nhu cầu tuyển dụng gần 1.500 lao động tham gia XKLĐ, với trên 90 đơn hàng, trong đó THCS 268 lao động; THPT trên 1.130 lao động; Đại học 77 lao động.
Đoàn công tác Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham quan Công ty Cổ phần Xuất khẩu lao động Tracodi
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa khẳng định: “Đề án XKLĐ là chìa khóa giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, nhất là tạo ra nguồn lao động có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thời gian tới, đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đề án; phối hợp các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền về XKLĐ, trong đó tập trung đào tạo ngoại ngữ, đồng thời đưa chương trình, chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài đến với các nhóm đối tượng; nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động. Các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình riêng để hoàn thành chỉ tiêu về XKLĐ của đơn vị; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề phục vụ thị trường XKLĐ,...
Đặc biệt, Long An không chấp nhận các công ty, doanh nghiệp đưa người đi làm việc nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận lao động, trong đó, đặt chất lượng, uy tín lên hàng đầu, không đưa người lao động tham gia XKLĐ bằng mọi giá; mỗi lao động tham gia XKLĐ là một "sứ giả" của Long An”./.
Kim Ngọc