Tiếng Việt | English

29/03/2023 - 16:44

Xúc tiến du lịch Việt: Cần nắm bắt xu hướng thay đổi của khách châu Âu

Theo Tiến sỹ Nuno F. Ribeiro, Phó Chủ nhiệm bộ môn Quản trị du lịch-khách sạn (Đại học RMIT), chính phủ Việt Nam cần dành ngân sách để quảng bá hình ảnh quốc gia và du lịch tại các thị trường châu Âu.


Google từng chung tay quảng bá hình ảnh Sơn Đoòng của Việt Nam.

Để khách ngoại trở lại  đông vui, tấp nập như giai đoạn trước đại dịch, nhiều chuyên gia, đại diện các đơn vị lữ hành lớn trên cả nước đều khẳng định quảng bá xúc tiến chính là chiếc "chìa khóa" giúp hình ảnh Việt Nam lan tỏa khắp thế giới. Đây cũng là một trong những việc cần ưu tiên tập trung, đẩy mạnh đầu tư thời điểm này của toàn ngành du lịch Việt.

Hãy trở thành điểm đến độc lập

Theo đại diện Công ty Oxalic Adventure đánh giá, đa số công ty lữ hành Việt Nam đang kinh doanh theo mô hình B2B, tức là xây dựng sản phẩm, chào bán cho đối tác xong thì đối tác mới bán cho khách, sau đó chúng ta nhận khách và thực hiện chương trình đó.

Thực tế mô hình này đang hoạt động tốt với hầu hết thị trường khách châu Á đi theo đoàn, điển hình năm 2019 có 14 triệu du khách châu Á vào Việt Nam. Trong khi đó, thị trường châu Âu và Bắc Mỹ lại rất khiêm tốn với 4 triệu khách.

Lý giải điều này, đại diện Oxalic Adventure cho rằng là bởi các sản phẩm như Bà Nà Hill, Phú Quốc, Nha Trang, cùng nhiều sản phẩm hiện đại được xây dựng cũng như các chương trình quảng bá điểm đến của ta đang chủ yếu hướng tới phục vụ dòng khách châu Á. Đáng nói, các chương trình này mới chỉ triển khai theo kiểu "mạnh ai nấy làm."

Để tăng hiệu quả, đại diện các đơn vị lữ hành lớn khẳng định ngành du lịch Việt cần tập trung đẩy mạnh quảng bá, kích cầu dịch vụ du lịch dành cho khách quốc tế trên cơ sở liên kết chặt chẽ của các doanh nghiệp như lữ hành, hàng không, lưu trú, các đối tác lớn, địa phương.

Hình ảnh cây Cầu Vàng của Việt Nam từng "gây bão" trên các trang thông tin quốc tế. (Ảnh: TTXVN)

Đặc biệt, tăng cường quảng bá, tiếp thị trực tiếp tại các thị trường quốc tế trọng điểm như thị trường Đông Bắc Á mới mở cửa phục hồi (Nhật Bản, Hàn Quốc) và đáng quan tâm là thị trường Trung Quốc bắt đầu cho người dân du lịch từ ngày 15/3 vừa qua, để trong thời gian sớm nhất có thể khơi thông dòng chảy quốc tế.

Thực tế có những thay đổi lớn trong xu hướng du lịch, đặc biệt là khách châu Âu và Mỹ trong những năm gần đây lại chuộng mô hình xê dịch tự do, không qua công ty du lịch, mà họ tự đặt vé máy bay, tự lên chương trình tour rồi đặt các dịch vụ liên quan. Những lịch trình thường trải dài qua nhiều quốc gia, điểm đến gần nhau.

Do đó, muốn thu hút lượng khách này chủ động chuyển hướng đến Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần một chiến lược marketing rõ ràng, bài bản và hấp dẫn nhằm cạnh tranh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia.

Theo Tiến sỹ Nuno F. Ribeiro, Phó Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, chính phủ Việt Nam cần dành ngân sách để quảng bá hình ảnh quốc gia và du lịch tại các thị trường châu Âu và nhấn mạnh: “Hãy dành thêm ngân sách quảng bá hình ảnh Việt Nam để Việt Nam trở thành một điểm đến độc lập của du khách mà không cần đến các thị trường khác để tạo thành ‘một gói.’ Chúng ta cần tự quảng bá chỉ riêng Việt Nam chứ không cần chung với các điểm đến như Lào, Campuchia, Thái Lan.”

“Cánh cửa” nào cho xúc tiến quảng bá?

Đồng tình với quan điểm giai đoạn tới cần ưu tiên tập trung cho xúc tiến quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist, ông Võ Anh Tài cho rằng cần sớm có kế hoạch quảng bá cụ thể hàng năm cho riêng từng thị trường, với thông tin tập trung về một điểm đến Việt Nam an toàn, hấp dẫn và khác biệt.

Ông Tài cho biết trong tháng 3/2023, Saigontourist đón 8 chuyến tàu biển du lịch quốc tế cao cấp với 19 lượt tàu cập cảng tại Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa-ũngTàu, Thành phố Hồ Chí Minh và đón trên 23.000 lượt khách quốc tế.

Hoàng hôn Phú Quốc hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Dự kiến trong năm 2023, Saigontourist sẽ đón 30 chuyến tàu với 72 lượt tàu cập cảng và trên 170.000 lượt khách quốc tế. Giữa bối cảnh dòng khách quốc tế được khơi thì số chuyến tàu, và lượng khách du lịch tàu biển cao cấp đến dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng. Đây là thị trường khách có khả năng chi tiêu cao.

Theo các chuyên gia, du lịch Việt cần chú trọng tăng cường khai thác khách du lịch cao cấp quốc tế, du khách đến Việt Nam thông qua các sự kiện ngoại giao, thương mại, kinh tế đầu tư, hội chợ, hội nghị, các sự kiện thể thao và văn hóa quốc tế.

Đặc biệt, cần tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài trong công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu quốc gia. Bởi du lịch quốc tế được coi là một ngành kinh tế đối ngoại, xuất khẩu tại chỗ quan trọng mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn và việc làm cho hàng triệu lao động.

Do đó, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thông qua các hoạt động đối ngoại của các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài cùng công tác xúc tiến thương mại, đầu tư là nguyện vọng của nhiều đơn vị, doanh nghiệp.

Vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi-Tăng tốc phát triển,” Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng tiếp tục khẳng định việc cần huy động tối đa nguồn lực xã hội, sự chuyên nghiệp của các tập đoàn lớn về du lịch để cùng nhau giới thiệu, quảng bá hình ảnh về một “Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hoà, mến khách, hội nhập và phát triển” đến với nhiều du khách tại các thị trường trọng điểm trên thế giới.

Chỉ khi những hình ảnh đẹp đẽ cùng các chính sách cởi mở của Việt Nam lan tỏa rộng khắp thế giới, được bạn bè quốc tế biết tới mới có thể tạo sức cạnh tranh, hấp dẫn và thu hút mạnh mẽ khách ngoại trở lại./. 

Những điểm đến hoang sơ được du khách tìm kiếm nhiều sau ảnh hưởng của "bão COVID-19." (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Mai Mai/vietnamplus.vn

Chia sẻ bài viết