Chồng giận thì vợ bớt lời
Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê.
Người Việt Nam rất quan tâm đến gia đình, đến văn hóa ứng xử trong gia đình nhằm xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, yêu thương lẫn nhau. Trong ca dao, tục ngữ, ông bà ta đã có nhiều lời răn dạy rất hay, ý nghĩa về ứng xử trong gia đình.
Gia đình là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Gia đình chính là tổ ấm nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục những con người khỏe mạnh để xây dựng đất nước. Chính gia đình là nơi giữ gìn, truyền dạy, phát huy những giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc, dòng họ, gia đình. Bằng tình thân ruột thịt, yêu thương lẫn nhau, các thành viên trong gia đình luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho nhau, “kính già, yêu trẻ”, cùng nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn, chung tay xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”. Gia đình hạnh phúc luôn đóng góp cho xã hội một gia đình văn hóa thực chất, đúng nghĩa và những công dân có ích cho xã hội.
Tuy nhiên, do tác động nhiều mặt của xã hội, các mối quan hệ trong gia đình ngày càng lỏng lẻo, dễ đổ vỡ. Tình trạng bất hòa, bạo hành trong gia đình có dấu hiệu tăng, ly hôn ngày càng nhiều và có xu hướng trẻ hóa, trẻ em bị xâm hại, bỏ rơi trong chính ngôi nhà của mình. Đôi khi, những người thân yêu nhau lại đưa nhau ra tòa, có khi những kẻ thủ ác trong các vụ án hình sự lại là người thân, người nhà. Tình trạng này sẽ gây những hệ lụy xấu cho xã hội, cho tương lai của trẻ em...
Chính vì vậy, chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình” nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hết sức phù hợp, mang tính thời sự. Nhận thức tốt ý nghĩa của văn hóa ứng xử trong gia đình là tiền đề, cơ sở quan trọng để xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, bền vững.
Do vậy, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, từng cơ quan, đơn vị, gia đình cần có những hoạt động thiết thực, phù hợp điều kiện, tình hình, tổ chức đa dạng các hình thức truyền thông, nội dung tuyên truyền phù hợp về công tác gia đình, về chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam năm 2019. Khi mọi người có một gia đình hòa thuận, hạnh phúc thì tinh thần, năng suất, chất lượng, hiệu quả làm việc sẽ nâng cao; cộng đồng, xã hội sẽ an toàn, văn minh hơn. Trong gia đình, người lớn gương mẫu trong cư xử thì con cháu noi theo. Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình./.
Kim Quy