Hạnh phúc là mục đích vươn tới của mọi người, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, giai cấp, địa vị xã hội, tôn giáo. Dù có nhiều người quan niệm về hạnh phúc khác nhau nhưng chung quy hạnh phúc chính là sự đáp ứng, thỏa mãn về đời sống vật chất, tinh thần, xã hội và sức khỏe,... Đôi khi hạnh phúc chỉ là một niềm vui, sự hài lòng về một công việc, một sở thích, một vấn đề nào đó trong cuộc sống.
Mọi hạnh phúc đều khởi nguồn, liên quan đến gia đình, bởi gia đình là bến đỗ hạnh phúc, nơi chúng ta được sống trong tình thương yêu, đồng cảm, chăm sóc của những người ruột thịt. Sau bao vất vả mưu sinh, được trở về với mái ấm bình an, đó là niềm mong mỏi của nhiều người. Gia đình hạnh phúc sẽ níu kéo các thành viên về với nhau; là pháo đài phòng, chống tệ nạn xã hội.
Gia đình là tế bào của xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc không thể tách rời cộng đồng, xã hội, đất nước an toàn, hạnh phúc. Khái niệm hạnh phúc được mở rộng, dựa trên điều kiện về sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của toàn dân. Đó cũng là điều mà Đảng, Nhà nước ta quan tâm, thực hiện gắn liền với xây dựng một nước Việt Nam “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Các phong trào như: Xây dựng đời sống văn hóa; nông thôn mới, đô thị văn minh; gia đình ấm no, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc;... đều hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình, xã hội hạnh phúc. Dù còn không ít khó khăn nhưng những thành tựu trong phát triển KT-XH, đất nước thanh bình ngày nay phản ánh được giá trị hạnh phúc mà chúng ta đang hưởng và phấn đấu để đạt được.
Chính vì tầm quan trọng của hạnh phúc, Liên Hiệp Quốc chọn ngày 20-3 làm Ngày “Quốc tế Hạnh phúc”. Năm 2017, Ngày Quốc tế Hạnh phúc tiếp tục thực hiện chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”. Thực hiện thông điệp này, trước hết, mọi người trong gia đình phải yêu thương nhau, lối xóm đoàn kết, “tối lửa tắt đèn có nhau”, “người trong một nước phải thương nhau cùng”,... Tất cả những điều đó được hun đúc trở thành tình yêu quê hương, đất nước. Và điều này cũng khơi dậy trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với gia đình, cộng đồng, quê hương, đất nước. Mỗi chúng ta có thể thể hiện, thực hiện mục tiêu hạnh phúc bằng nhiều cách: Xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng an toàn, đoàn kết, quê hương giàu mạnh; đóng góp, chia sẻ, giúp đỡ những gia đình bất hạnh, mảnh đời cơ nhỡ, vùng sâu, vùng khó khăn; tích cực tham gia công tác xã hội, nhân đạo, từ thiện; thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh nơi công cộng, trong giao tiếp, an toàn giao thông; đóng góp xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng môi trường sống, học tập và làm việc hạnh phúc; bảo vệ hòa bình;...
Từ những hạnh phúc nhỏ, riêng tư góp thành hạnh phúc của cộng đồng, đất nước. Để cùng nhau vươn tới hạnh phúc, mỗi chúng ta phải thực hiện tốt trách nhiệm với gia đình, trách nhiệm của công dân; thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng gia đình hạnh phúc, chống bạo hành trong gia đình và bạo lực xã hội. Hãy mang đến cho người khác niềm vui, bởi hạnh phúc là sự sẻ chia!
Kim Quy