Khách hàng lựa chọn thực phẩm an toàn tại siêu thị. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Chưa bao giờ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lại được dư luận quan tâm, được các cấp, các ngành đầu tư nhiều thời gian, kinh phí và các giải pháp để cùng chung tay xóa bỏ vấn nạn “thực phẩm bẩn” như hiện nay.
Đó là ý kiến đánh giá của ông Nguyễn Đình Chúc, Phó Tổng biên tập Báo Lao Động, tại Hội thảo “Hành động để người dân được sử dụng nông sản thực phẩm an toàn” do Báo Lao Động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Bộ Công Thương tổ chức hôm nay (26/7), tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Đình Chúc cho biết, thời gian gần đây, dư luận vô cùng bức xúc trước việc một số hộ sản xuất, nuôi trồng… lạm dụng sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tạo ra các sản phẩm độc hại, không an toàn gây nguy hiểm cho người sử dụng. Trong khi việc được sử dụng nông sản, thực phẩm an toàn là nhu cầu và quyền lợi chính đáng của người dân.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD-Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cũng cho biết, hiện đã có nhiều nhà sản xuất, phân phối, chế biến các sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng.
“Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng do thiếu thông tin nên có xu hướng hoang mang, tẩy chay cả những nhà sản xuất sản phẩm sạch chân chính gây ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp,” ông Tiệp nói.
Vậy, câu hỏi đặt ra phải làm gì để người dân được tiếp cận, sử dụng những sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tốt cho cho sức khỏe? Đồng thời, qua đó tạo nên một diễn đàn cổ vũ, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm sạch trên cả nước.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, “bí kíp” để trở thành người tiêu dùng thông minh mua các sản phẩm an toàn là nên đến các địa chỉ mua sắm tin cậy như siêu thị, cửa hàng tiện ích, các điểm bán cố định. Không nên mua hàng ở những địa chỉ vãng lai hoặc người bán vãng lai.
“Mặt khác, nếu mua ở siêu thị người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chứng nhận đảm bảo. Còn nếu mua tại chợ truyền thống thì nên chú ý mua những sản phẩm không có dấu hiệu bất thường, hoặc màu sắc lạ mắt hoặc khác lạ so với cơ cấu tự nhiên như rau xanh bất thường, mỡ màng hay thịt có màu khác thường,…” ông Tiệp chia sẻ.
Ông Tiệp cũng đề xuất các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát và đề xuất điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn; ban hành bổ sung các quy định, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng nông sản an toàn, tạo điều kiện cho người dân nhận biết, ủng hộ tiêu dùng sản phẩm an toàn và người sản xuất, kinh doanh có thị trường tiêu thụ sản phẩm an toàn.
Đồng thời đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến cho người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng về an toàn thực phẩm (tờ rơi, tờ dán, panô, áp phích, phát thanh, truyền hình …); phối hợp với báo, đài trung ương và địa phương, hệ thống phát thanh xã phường tăng cường thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm.
"Cục quản lý Chất lượng Nông lâm Thuỷ sản sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế trong kiểm soát ngăn chặn sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; phối hợp với Bộ Công thương trong kiểm soát, ngăn chặn lạm dụng hoá chất công nghiệp trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản đồng thời tăng cường công tác giám sát, thanh tra đột xuất đối với sản phẩm, công đoạn rủi ro cao về an toàn thực phẩm nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và xử lý các trường hợp vi phạm," ông Tiệp nhấn mạnh./.
Theo TTXVN