Tiếng Việt | English

17/09/2018 - 15:16

“Bóng hồng” trên những công trình xây dựng

Phụ hồ là công việc nặng nhọc, nguy hiểm, đòi hỏi sức khỏe và sự dẻo dai. Thế nhưng, vì miếng cơm, manh áo, nhiều phụ nữ chọn mưu sinh ở những công trình xây dựng - nơi vốn không dành cho những người “chân yếu tay mềm”.

Phận nữ phụ hồ còn lắm nhọc nhằn

Phận nữ phụ hồ còn lắm nhọc nhằn

Nghề phụ hồ đòi hỏi người làm phải siêng năng, nhanh nhạy và có sức khỏe dẻo dai. Ngoài ra, mỗi người còn phải biết làm nhiều công việc khác nhau như xúc cát, đá, sàng cát, khiêng xi măng, gạch,... nếu người trong nhóm vắng đột xuất. Khi nhắc đến nghề phụ hồ, nhiều người những tưởng đây là công việc nặng nhọc chỉ dành cho đàn ông. Tuy nhiên, có không ít phụ nữ lại chọn nghề này làm kế sinh nhai.

Dạo một vòng quanh các công trình xây dựng, không khó để bắt gặp hình ảnh của những “bóng hồng” làm phụ hồ. Đa phần những người làm nghề này đều ở tuổi trung niên. Bởi, ở độ tuổi của họ khó có thể tìm được việc làm ổn định tại các nhà máy, xí nghiệp. Có dịp đến một số công trình xây dựng, tận mắt chứng kiến công việc của người phụ hồ, chúng tôi mới thấu hiểu hết những vất vả của họ. Trên công trình mù mịt bụi và nồng nặc mùi xi măng, những người phụ nữ “chân yếu tay mềm” nhanh nhẹn vác gạch, xúc cát, trộn bêtông,... không thua kém đàn ông.

Lau vội giọt mồ hôi giữa cái nắng gay gắt, bà Nguyễn Thị Lời (ấp 11, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) chia sẻ với chúng tôi: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn mà thời điểm đó tìm được việc làm rất khó nên tôi chọn làm phụ hồ. Công việc nặng nhọc, vất vả lắm nhưng làm riết cũng quen. Mới đó mà tôi theo nghề được 16 năm rồi. Nếu không chịu khó chắc tôi không thể trụ lại với nghề này lâu như vậy”.

59 tuổi, sức khỏe không ổn định, thế nhưng bà Nguyễn Thị Lời vẫn miệt mài với công việc bất kể ngày nắng hay mưa. Đôi bàn tay của bà cũng thô ráp, chai sạn theo năm tháng. “Nhiều người thấy làm phụ hồ vất vả nên khuyên tôi nghỉ ngơi dưỡng sức. Nhưng có lẽ, ngoài lý do mưu sinh thì cái nghề này ăn sâu vào máu thịt của tôi rồi, bỏ cũng khó. Cứ hết ngày này sang tháng khác, hễ chủ thầu gọi là tôi đi làm ngay. Hiện tiền công của tôi được 270.000 đồng/ngày, đủ trang trải cuộc sống gia đình” - bà Lời cho biết thêm.

Nhiều phụ nữ chấp nhận gắn bó với nghề phụ hồ vì miếng cơm, manh áo

Nhiều phụ nữ chấp nhận gắn bó với nghề phụ hồ vì miếng cơm, manh áo

Cũng như bà Nguyễn Thị Lời, chị Huỳnh Thị Tuyết Nhung (xã Đức Tân, huyện Tân Trụ) chọn gắn bó với nghề phụ hồ. Hiện chị làm phụ hồ cho một công trình trên địa bàn TP.Tân An. Chị Tuyết Nhung cho biết: “Đối với công việc cần sự tỉ mỉ, cẩn thận như lau chùi cửa kính, chà ron, dọn dẹp công trình,... thì chủ thầu xây dựng chuộng sử dụng phụ hồ là nữ hơn. Nghề này tuy vất vả nhưng có được việc làm để cải thiện cuộc sống là tôi mừng rồi!”.

Không chỉ gian nan, vất vả, nghề phụ hồ cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động. Hầu hết những nữ phụ hồ không được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cần thiết theo quy định (dây an toàn, nón bảo hộ, quần áo, găng tay,...). Giữa ngổn ngang gạch đá, sắt thép của công trình, họ làm việc chỉ với bộ trang phục đơn giản. Thế nhưng vì mưu sinh, họ đành chấp nhận gắn bó với nghề.

Nhọc nhằn là vậy nhưng trong câu chuyện đời, chuyện nghề của mình, những nữ phụ hồ vẫn lạc quan. Với họ, niềm vui chỉ đơn giản là có thể kiếm được tiền từ chính sức lao động của mình để cải thiện cuộc sống gia đình và hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích