Ông Phan Nguyễn Hữu Đạt cho rằng, công trình xây dựng nhà ở biệt thự phố do Công ty Tuấn Kiệt xây dựng có dấu hiệu “rút ruột” công trình, kết cấu nhà không bảo đảm theo quy định hợp đồng
Có hay không nhà thầu “rút ruột” công trình?
Trong đơn trình bày, ngày 04/10/2016, ông Đạt ký kết hợp đồng với ông Nguyễn Văn Kiệt - Giám đốc Cty Cổ phần Tư vấn thiết kế - Đầu tư xây dựng Tuấn Kiệt (Cty Tuấn Kiệt) về việc thi công xây dựng công trình nhà ở biệt thự phố với diện tích 96m2, hình thức trọn gói và thi công theo bản vẽ thiết kế do Cty Tuấn Kiệt lập với giá trị hợp đồng 1,648 tỉ đồng, thời gian hoàn thành công trình là 120 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng.
Cả 2 bên đều thống nhất về phương thức thanh toán (6 đợt) sau khi ký hợp đồng thi công xây dựng. Sau khi ký hợp đồng, thanh toán 494 triệu đồng; xây xong tường bao tầng trệt, thanh toán 330 triệu đồng; đổ bêtông cốt thép sê-nô mái, thanh toán 330 triệu đồng; sau khi lợp mái và xây, tô hoàn thiện cửa, hệ thống điện, nước âm tường, thanh toán 330 triệu đồng; sau khi hoàn thành công trình, bàn giao đưa vào sử dụng, thanh toán 132 triệu đồng và thanh toán hết thời gian bảo hành là 32 triệu đồng.
Đến ngày 04/11/2016, Cty Tuấn Kiệt thực hiện xong giai đoạn 2 nhưng ông Đạt không chấp nhận thanh toán tiền theo thỏa thuận và yêu cầu ngừng xây dựng với lý do Cty không có biên bản nghiệm thu khi thi công xong giai đoạn 1 mà tự ý xây dựng tiếp giai đoạn 2. Ông Đạt phát hiện Cty không trung thực khi cả 2 bên ký kết hợp đồng sử dụng vật liệu xây dựng sắt Việt Nhật để thi công công trình nhưng thay vào đó là pha trộn sắt Hòa Phát vào xây dựng công trình.
Ông Đạt cho biết: “Khi phát hiện vụ việc trên, tôi yêu cầu ngừng thi công công trình để xem xét hiện trạng (nền móng, hố tự hoại, cột xây dựng không đúng với cam kết). Tôi không an tâm nên đem bản vẽ của Cty để thẩm định thiết kế thì bản vẽ không đạt tiêu chuẩn. Tôi có mời đại diện Cty Tuấn Kiệt đến hiện trường công trình để xem xét và tìm hướng giải quyết, có biên bản họp 5 lần nhưng đại diện Cty là ông Nguyễn Văn Kiệt không nhận sai mà chỉ nhận định sắt Hòa Phát do cửa hàng vật liệu giao nhầm và chưa sử dụng trong công trình”.
Sai phạm không nghiêm trọng, công trình vẫn chịu lực an toàn?!
Công trình đang ngưng thi công để kiểm định lại thì đại diện Cty Tuấn Kiệt gửi cho ông Đạt 1 văn bản ứng tiền đợt 2 là 330 triệu đồng. Ông Đạt không đồng ý thanh toán vì Cty làm không đúng hợp đồng. Cty khởi kiện ông Đạt ra Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa.
Ngày 22/9/2017, Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm về việc “Tranh chấp hợp đồng xây dựng”. Theo Bản án số 199/2017/DS-ST, Hội đồng xét xử (HĐXX) không thừa nhận những sai phạm của nguyên đơn - Cty Tuấn Kiệt mà buộc bị đơn - ông Đạt phải thanh toán số tiền tạm ứng đợt 2 theo hợp đồng cho nguyên đơn.
Ông Đạt bức xúc: “Khi thụ lý hồ sơ vụ án thì những bằng chứng sai phạm của Cty Tuấn Kiệt được HĐXX cho rằng vi phạm không nghiêm trọng, không công nhận bằng chứng do tôi cung cấp. Tôi thấy không khách quan! Tôi yêu cầu thẩm định thiết kế bản vẽ nhưng tòa án lại đi thẩm định chất lượng vật tư và buộc tôi phải trả 38 triệu đồng. Rất nhiều lần, trước HĐXX, ông Kiệt cam đoan là không pha trộn sắt Hòa Phát trong công trình nhưng đến lúc HĐXX đưa ra bằng chứng thì ông Kiệt đề nghị bớt 100 triệu đồng. Nếu như ông Kiệt không làm sai hợp đồng và không “gian lận” trong việc trộn vật liệu xây dựng không đúng với bản hợp đồng thì hà cớ gì giảm 100 triệu đồng?! Tôi không đồng ý với quyết định của HĐXX nhưng phía tòa vẫn buộc tôi thanh toán số tiền 230 triệu đồng sau khi trừ 100 triệu đồng do ông Kiệt tự nguyện giảm trừ chi phí xây dựng”.
Cần điều tra, làm rõ vụ việc
Căn cứ Hợp đồng thi công xây dựng số 04/HĐXD-TK/16, ký ngày 04/10/2016 giữa chủ đầu tư là ông Phan Nguyễn Hữu Đạt (bên A) và đơn vị thi công là Cty Cổ phần Tư vấn thiết kế - Đầu tư Tuấn Kiệt (bên B). Trong quá trình thi công, bên B thực hiện không đúng hợp đồng đã ký như sử dụng sắt phi 6, phi 8 là sắt Hòa Phát cho toàn bộ cấu kiện của công trình sai so với hợp đồng là sắt Việt Nhật (theo điều 1 của hợp đồng). Bên cạnh đó, việc thi công không đúng chất lượng theo điều 2; khoản 2.1 và 2.2 của hợp đồng như tiết diện móng băng không đủ, tiết diện dầm, sàn, cột không đủ, không bó nền công trình, xây hố tự hoại không đúng quy định.
Theo ghi nhận của phóng viên tại công trình thi công, phần cột bị nghiêng và nứt. Vị trí cột tròn trên ban công bị nghiêng và đặt không đúng vị trí chịu lực của cấu kiện, gây mất an toàn,... Sự thay đổi này chưa được sự chấp thuận của bên A bằng văn bản theo điều 1 của hợp đồng, điều 2, khoản 2.2 của hợp đồng; không có bản vẽ chi tiết để thi công.
Những sai phạm mà bên B (Cty Tuấn Kiệt) gây ra là sai phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn công trình khi hoàn thành, thế nhưng, tại phiên xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa lại cho rằng, sai phạm không nghiêm trọng, liệu có mâu thuẫn với các chứng cứ, thực trạng thực tế công trình?
Ngay sau khi phát hiện vụ việc, ông Đạt yêu cầu khắc phục và kiểm tra lại toàn bộ kết cấu chịu lực của công trình nhưng Cty không khắc phục. Ông Đạt thuê Cty Cổ phần Tư vấn kiểm định xây dựng Bách Khoa (địa chỉ số 212/34, Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM) thẩm tra toàn bộ kết cấu chịu lực của công trình. Cũng theo hồ sơ thẩm tra số 2/2017/BC-TTR, ngày 08/02/2017 thì toàn bộ kết cấu của công trình không đủ khả năng chịu lực, cần phải tăng kích thước cấu kiện và tăng số lượng cốt thép trong cấu kiện như: Bản móng M1 trục A, B, C, D không đủ khả năng chịu lực; dầm móng M1 trục A, B, C, D, E không đủ khả năng chịu lực, dầm tầng lầu, dầm tầng mái, sàn tầng lầu, cột tầng lầu đều không đủ khả năng chịu lực,... tất cả được cung cấp hồ sơ thẩm tra cho Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa. Tuy nhiên, tòa án bác các chứng cứ mà ông Đạt cung cấp tại tòa.
Thay vào đó, căn cứ vào kết quả giám định chất lượng xây dựng vào ngày 07/9/2017 của Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng - Chi cục Giám định xây dựng tỉnh Long An: “Tại thời điểm kiểm định công trình nhà ở gia đình ông Đạt chưa hoàn thiện, các cấu kiện kiểm tra hiện trong tình trạng ổn định theo đánh giá tiêu chuẩn TCVN 9381: 2012, công trình vẫn bảo đảm yêu cầu chịu lực theo tiêu chuẩn Việt Nam”?!.
Trao đổi với phóng viên về việc có hay không việc vi phạm thay đổi vật liệu xây dựng từ sắt Việt Nhật sang sắt Hòa Phát, ông Nguyễn Văn Kiệt cho rằng, theo hợp đồng mà 2 bên thỏa thuận thì Cty có vi phạm về việc sử dụng chủng loại sắt. Tuy nhiên, ông Kiệt trình bày, có thể là do kiểm tra không kỹ khi nhập sắt có xen lẫn sắt Hòa Phát. Cũng theo ông Kiệt, lỗi một phần của ông Đạt vì trong quá trình thi công, gia đình ông Đạt có giám sát nhưng không phát hiện để giải quyết ngay từ đầu mà để Cty xây cả tầng trệt và tầng lầu.
Trước vấn đề trên, các cơ quan chức năng cần điều tra rõ vụ việc theo đúng quy định pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân./.
Hùng Anh