Ninh Thuận nỗ lực ứng phó với hạn hán. (Nguồn: TTXVN)
Để giải quyết được “bài toán” hạn, mặn lịch sử trong vòng 100 năm qua ở Đồng bằng sông Cửu Long, theo các chuyên gia, giải pháp tối ưu nhất hiện nay là “các địa phương trong vùng cần mạnh dạn tận dụng diện tích thường bị nhiễm mặn để nuôi thủy hải sản có giá trị kinh tế như tôm, thay vì cố gồng mình đưa nước ngọt đến vùng ngập mặn để phát triển cây lúa.”
Cơ hội để tái cơ cấu nền nông nghiệp?
Thời gian qua, hàng loạt thủy điện mọc lên ở thượng nguồn sông Mekong, chặn dòng chảy khiến nguồn nước đổ về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xuống mức thấp lịch sử. Việc làm được coi là “nhân tai” này diễn ra trong bối cảnh El Nino ngày càng khốc liệt đã tạo nên một cơn đại hạn và xâm nhập mặn khốc liệt ở “vựa lúa của đất nước.”
Chưa dừng lại, theo nhận định của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, vào tháng Tư này, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục phải gánh chịu một đợt xâm nhập mặn thứ hai với nồng độ từ 4gam/lít trở lên lấn sâu hàng trăm kilômét. Đây mới thực sự là đợt xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong vòng 100 năm qua.
Trong bối cảnh như vậy, Đồng bằng sông Cửu Long cần phải làm gì để có thể ứng phó thiên tai, cũng như yên tâm “sống chung với đại hạn”?
Với tư cách là chuyên gia nghiên cứu, phó giao sư tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho rằng để giải “bài toán” hạn, mặn lịch sử ở Đồng bằng sông Cửu Long, trước hết cần phải đánh giá cụ thể hơn về nguy cơ bị hạn hán, xâm nhập mặn, bởi đánh giá hiện nay còn rất sơ sài.
“Năm ngoái (năm 2015), bản thân tôi đã có nghiên cứu, cảnh báo là 2016 hạn hán sẽ còn nặng nề hơn, thế nhưng phản ứng của các địa phương trong vùng còn rất chậm chạp, dường như vẫn còn tâm lý chờ cấp trên, trong khi họ (các địa phương) mới cần phải trực tiếp ứng phó và ‘cứu’ lấy kinh tế của địa phương mình,” ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, một phần phản ứng lung túng của các địa phương ở đây là do “quốc sách” của chúng ta còn đặt nặng vào nông nghiệp, coi lúa gạo là an ninh lương thực số 1. Trong khi, bây giờ an ninh lương thực không phải là mỗi lúa, mà phải có tôm, cá. Ví dụ, ngày xưa mỗi người có thể ăn 3-4 chén cơm với muối, thì nay nhiều người có thể chỉ cần ăn mỗi chén cơm với cá-thịt đã no.
Vì thế, theo ông Tuấn, để đảm bảo an ninh lương thực thì chúng ta cần phải tận dụng diện tích đã bị nguồn nước mặn lấn vào để nuôi tôm vốn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Thậm chí đối với những vùng có nguy cơ bị nhiễm mặn nặng, địa phương đó cũng cần chuyển đổi đất nông nghiệp sang nuôi trồng thủy hải sản, bởi cây lúa “ngốn” rất nhiều nước (70% lượng nước dành cho nông nghiệp).
“Tôi nghĩ, việc xâm nhập mặn kỷ lục này cũng là cơ hội để chung ta tái cơ cấu lại nền nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nghĩa là, bây giờ những vùng nào quá mặn thì chúng ta đừng tìm cách chống nó, mà cứ tận dụng nguồn nước đó để nuôi tôm, hay trồng rừng ngập mặn. Còn nếu chúng ta cứ cố đưa nước ngọt vào vùng bị xâm nhập mặn thì vừa tốn kém mà hiệu quả mang lại cũng không cao,” ông Tuấn chia sẻ.
Ông Nguyễn Nhân Quảng, nguyên Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Quản lý tổng hợp tài nguyên Nước (CIWAREM) cũng cho rằng, trong bối cảnh nguồn nước ngọt tại Đồng bằng sông Cửu Long đang khan hiếm và xâm nhập mặn đang khốc liệt, chúng ta không nên đặt mục tiêu quá lớn vào việc sử dụng nguồn nước ngọt cho nông nghiệp. Theo đó, người dân nơi đây cần trồng những loại cây ít “ngốn” nước hơn cây lúa và chuyển đổi thời vụ.
Biến đổi khí hậu gây hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Cần phân chia, phân bổ nguồn nước
Theo dự báo của cơ quan khí tượng, hiện dòng chảy từ thượng lưu sông Mekong về vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức thấp và diễn biến phức tạp do có sự chi phối của các hồ chứa thượng lưu. Do vậy, hạn hán và xâm nhập mặn dự báo cũng sẽ hết sức nghiêm trọng. Khả năng xâm nhập mặn tiếp tục sâu hơn và cao hơn cùng kỳ, độ mặn cao nhất năm khả năng xuất hiện vào cuối tháng 3.
Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm này, có khoảng hơn 700.000ha ở Đồng bằng sông Cửu Long đang bị đe dọa bởi hạn hán và xâm nhập mặn. Nếu tình hình khô hạn kéo dài đến tháng Sáu thì có khoảng 500.000ha lúa Hè Thu không thể gieo sạ đúng thời vụ.
Trước thực tế nêu trên, Phó giao sư tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu cho rằng, trong bối cảnh hạn và mặn đang ở mức kỷ lục thì việc tập trung “cứu” cây lúa là điều hết sức khó khăn. Thay vào, giải pháp hiện nay là cần tìm kiếm, chia sẻ nguồn nước sinh hoạt cho người dân.
“Theo nghiên cứu của tôi, mặc dù đang trong cơn đại hạn, song các vùng chưa ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn có đủ nguồn nước cho cả đồng bằng dùng. Vấn đề hiện nay là, việc phân phối nguồn nước từ trên cao xuống đòi hỏi giá thành tăng lên, chứ không đến mức ‘khát’ như nhiều nước trên thế giới,” ông Tuấn bật mí.
Ông Tuấn cũng cho biết, trước đây, Đồng bằng sông Cửu Long vốn có 2 vùng trũng rất lớn, đó là Đồng Tháp Mười và Tứ Giác-Long Xuyên, ngày xưa đây là hai vùng trũng trữ nước mùa lũ để điều tiết nguồn nước cho toàn đồng bằng vào mùa khô, nên hạn mặn không có gì lo ngại.
Tuy nhiên, bây giờ vì quá chú trọng phát triển cây lúa nên các địa phương cứ làm đê bao khoanh hết nên diện tích vùng trũng tích nước ngọt ngày càng mất đi. Giống như ở Hà Nội, nếu ao-hồ bị lấp thì khi mùa lũ đến sẽ gây ngập. Bởi thế, giải pháp “cứu cánh” Đồng bằng sông Cửu Long bây giờ là cần phải khôi phục lại các vùng trũng tự nhiên, để thành những hồ chứa nước có thể khai thác được.
“Nếu làm được như thế thì diện tích lúa có có giảm đi, nhưng đổi lại chúng ta sẽ không còn phải gồng mình cứu hạn hay chống mặn như hiện nay. Trong việc này, những quốc gia tiên tiến như nước Mỹ, khi xảy ra thiên tai, họ cũng sẵn sàng hi sinh một phần nông nghiệp, chứ không cố gắng gồng lên để đưa nước ngọt vào,” ông Tuấn lưu ý.
Có chung quan điểm, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khuyến cáo, trong bối cảnh hạn mặn đang ngày khốc liệt, việc cần làm là cắt giảm nước cho việc trồng lúa, đặc biệt là cây đã chết rồi thì chúng ta cũng không nên cố cứu, mà để ưu tiên cho người và gia súc.
Còn theo ông Nguyễn Nhân Quảng, nguyên Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Quản lý tổng hợp tài nguyên Nước, để có thể “cứu” hạn, duy trì nguồn nước được lâu dài cho Đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta cần chủ động được nguồn nước đến và nguồn nước đi.
Theo đó, nguồn nước từ trên thượng nguồn sông Mekong khi đổ về “vựa lúa của cả nước” cần phải có sự can thiệp, chia sẻ giữa các nước nằm trên thượng nguồn, và duy trì được dòng chảy như đã thỏa thuận theo các quy chế của Ủy hội sông Mekong.
“Cùng với việc hợp tác chia sẻ nguồn nước khu vực, việc chia sẻ nguồn nước ngay từ trong nước cũng sẽ mang lại hiệu quả nếu các nhà máy có chia sẻ chế độ vận hành đập thủy điện trong việc xả nước cho vùng hạ du. Từ đó, các vùng hạ du có thể chủ động hơn trong việc lấy nước để phân bổ hợp lý,” ông Quảng nói.
Trong trường hợp bắt buộc phải chống mặn, tập trung cho việc phát triển cây lúa, ông Quảng cho rằng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng ven biển nên cần đầu tư hệ thống cửa cống ngăn mặn từ các sông đổ ra biển. Nếu giải pháp này được thực hiện thì chúng ta sẽ giữ được nguồn nước ngọt, và ngăn được sự xâm nhập mặn mỗi khi thủy triều dâng lên, đẩy nước biển lấn vào đất nông nghiệp.
“Ví dụ như ở Hà Lan, các cống dẫn từ cửa sông đổ ra biển người ta chặn hết, nên khi nước biển dâng lên nó không xâm nhập vào được. Tuy nhiên, về mặt môi trường sinh thái thì việc chặn cửa sông này nó cũng như 'con dao hai lưỡi' là với những vùng nước lợ ven biển sẽ bị tiêu diệt do không có được nguồn nước ngọt bổ sung," ông Quảng nói./.
Theo TTXVN